Mẹo làm đẹp nhà cho gia đình đông người

Giữ nhà cửa gọn gàng, đẹp đẽ không hề đơn giản, ngay cả khi bạn ở một mình. Với gia đình từ bốn người trở lên, việc này càng khó.
Dưới đây là 5 mẹo giúp nhà gọn và đẹp, đặc biệt hữu ích cho những gia đình đông thành viên.
Bố trí nhiều không gian lưu trữ
Lưu trữ là một vấn đề quan trọng khi nhiều cá nhân sống cùng nhau. Cả người lớn lẫn trẻ em đều cần dễ dàng xác định đồ đạc của mình để không mất nhiều thời gian vào buổi sáng hoặc mỗi khi ra ngoài.
Theo nhà thiết kế Isabella Patrick ở New York (Mỹ), một giải pháp lưu trữ nhà đông người là bố trí giỏ, móc ở ngay lối ra vào. “Chồng tôi cao nhất nhà nên dùng các giỏ, móc trên cùng. Lũ trẻ dùng những món dưới thấp còn khu vực của tôi ở giữa”, Patrick tiết lộ.
Khu cửa ra vào nên có nhiều không gian lưu trữ và phân khu cho từng thành viên. Ảnh: loveandinteriors

Khu cửa ra vào nên có nhiều không gian lưu trữ và phân khu cho từng thành viên. Ảnh: loveandinteriors

Bên cạnh đó, hãy xem xét chỗ để giầy dép sao cho rộng rãi, thuận tiện bởi sau một ngày, bạn rất có thể vứt giầy dép lung tung. “Những gợi ý trên sẽ giúp không gian của bạn gọn gàng hơn mà một ngôi nhà gọn là một ngôi nhà đẹp”, Patrick nhận định.
Với nhà thiết kế Lygia Harkins ở Phoenix, tủ/kệ âm tường rất hữu ích cho việc tăng diện tích lưu trữ. Nếu muốn tăng sức sống và tạo điểm nhấn, bạn hãy sơn tủ/kệ với những màu mà cả gia đình thích.
Sau khi đã có đủ đồ lưu trữ để cất gọn đồ đạc, gia chủ có thể thêm một số đồ trang trí cho tổ ấm như gương, thảm, đèn. Nếu đủ chỗ và ánh sáng tự nhiên, bạn cũng có thể trồng cây trong nhà.
Cùng đưa ra ý tưởng thiết kế
Thay vì để một thành viên lên kế hoạch thiết kế, cả gia đình nên cùng đưa ra ý tưởng. “Điều quan trọng là mỗi người, kể cả trẻ con, đều thấy mình là một phần của căn nhà”, nhà thiết kế Harkins cho biết.
Tốt nhất, mỗi thành viên gia đình hãy tìm kiếm, xem xét các mẫu tham khảo rồi họp nhau để thống nhất phong cách, màu sắc mà tất cả cùng thích. Quá trình này có thể hơi tốn thời gian nhưng rất cần thiết trong việc tạo nên một căn nhà chung đúng nghĩa. Mọi người cũng sẽ cảm thấy vui hơn vì được đóng góp công sức, ý tưởng.
Nội thất trong nhà không nhất thiết phải theo một kiểu mà có thể kết hợp giữa sở thích khác nhau của các thành viên. Ảnh: Dezeen.

Nội thất trong nhà không nhất thiết phải theo một kiểu mà có thể kết hợp giữa sở thích khác nhau của các thành viên. Ảnh: Dezeen.

Mua sắm vừa phải
Trước khi mua sắm thứ gì đó, bạn nên tự hỏi ở nhà đã có món tương tự chưa hoặc có thành viên nào đang dự định sắm món tương tự không. Điều này sẽ giúp giảm thiếu số đồ cùng chức năng trong nhà, vừa đỡ tốn diện tích vừa tiết kiệm tiền. Bạn cũng có thể đặt ra ngân sách chi tiêu cho từng hạng mục, sau đó bàn với gia đình xem nên mua thứ gì.
Bên cạnh đó, nếu một đồ khiến bạn khó tìm chỗ cất, nhiều khả năng nó không phù hợp với không gian căn nhà và cần được bỏ hoặc cho đi.
Tạo nhiều khu vực khác nhau
Theo nhà thiết kế Nicole Cole ở Philadelphia, khu vực sinh hoạt chung trong nhà nên được thiết kế sao cho có cả chỗ tụ tập lẫn góc riêng dành cho ai đó thích sự riêng tư. Với chỗ tụ tập, gia chủ có thể bố trí một bộ sofa còn góc riêng chỉ cần một – hai chiếc ghế bành là đủ. Như vậy, những thành viên với cá tính khác nhau vẫn có thể ở cùng một nơi.
Khu vực sinh hoạt chung nên có các khu vực khác nhau cho nhu cầu của mỗi thành viên. Ảnh: Dezeen.

Khu vực sinh hoạt chung nên có các khu vực khác nhau cho nhu cầu của mỗi thành viên. Ảnh: Dezeen.

Nội thất đồng bộ
Nếu phòng ngủ được thiết kế cho các anh chị em dùng chung, gia chủ nên sử dụng những nội thất tương đồng nhau. Giường, đèn cùng kiểu sẽ giúp căn phòng thêm phong cách và đỡ rối mắt, hỗn loạn.
Thu Nguyệt (Theo The Spruce)
Bạn cũng có thể thích