Khen con đúng cách là một nghệ thuật không phải bố mẹ nào cũng làm tốt
Khen con đúng cách không những là món quà khích lệ mà còn tạo nền tảng để con hình thành những phẩm chất tích cực khi trưởng thành.
Khen con sai cách coi chừng lợi bất cập hại
Khen con đúng cách đầu tiên cần phải chân thành và khéo léo. Không ít các ông bố, bà mẹ chỉ khen con theo kiểu qua loa cho có lệ bằng những câu chung chung như “con thông minh quá”, “rất tốt”, “cố gắng hơn nữa nhé” v.v…
Tưởng chừng là đang cổ vũ con nhưng lại không khiến trẻ cảm nhận được bao nhiêu tình yêu và ý nghĩa. Bạn nên khích lệ con bằng những lời cụ thể hơn về việc con đã làm tốt, kèm theo cái ôm hay cái vỗ vai nhẹ nhàng giúp tình cảm giữa bố mẹ và con cái thêm gắng kết.
Khái niệm “con nhà người ta” luôn là cơn ác mộng và áp lực đối với những đứa trẻ. Đôi khi, phụ huynh cho rằng mình đang khen ngợi con nhưng đồng thời vẫn bao hàm sự so sánh với những đứa trẻ khác.
Những câu nói điển hình như “Bài thi này con làm khá tốt nhưng ráng học theo bạn A để điểm cao như bạn nhé”. Kiểu khích lệ này không đem lại niềm vui và động lực cho con mà còn khiến trẻ thêm áp lực, tủi thân hoặc sinh ra tâm lý ganh ghét bạn cùng trang lứa.
Khen con đúng cách đòi hỏi bố mẹ phải tinh tế và thấu hiểu con cái
Nhiều người cứ nghĩ rằng thỏa mãn những mong đợi của con bằng vật chất chính là phần thưởng tốt nhất mà không nghĩ rằng dễ khiến con hiểu sai về ý nghĩa của sự cố gắng. Khen con đúng cách là phải giúp con nhận ra giá trị tinh thần mà mình đã đạt được, kèm theo một món quà nho nhỏ để tạo thêm niềm vui cho trẻ.
Bố mẹ nên tinh tế quan sát và ghi nhớ xem bình thường trẻ đặc biệt thích gì hoặc có mong muốn gì. Khi trẻ đạt thành tích tốt hay làm được việc gì hữu ích, bạn có thể tạo bất ngờ cho trẻ bằng món quà mà trẻ kỳ vọng bấy lâu.
Hành động này không những khiến trẻ được khích lệ để hoàn thiện hơn nữa mà còn giúp tình cảm bố mẹ và con cái thêm khắng khít vì trẻ cảm thấy mình được để ý, quan tâm. Tuy nhiên, tùy mức độ thành quả trẻ đạt được mà tạo niềm vui bất ngờ này nhưng không phải lần nào cũng vậy.
Bên cạnh những lời động viên và những món quà khích lệ trẻ, bố mẹ cũng nên khéo léo tận dụng biểu hiện cảm xúc của mình để tăng thêm hiệu quả, chẳng hạn như cái mỉm cười hài lòng, ánh mắt vui mừng, cái ôm ấm áp v.v… Trẻ sẽ cảm nhận được sự khích lệ chân thành từ bạn chứ không phải khen cho có lệ.
Dù là chuyện lớn hay nhỏ, nếu trẻ làm chưa tốt thậm chí là thất bại thì bố mẹ cũng không nên trách mắng hay tỏ thái độ thất vọng với con. Trẻ đang buồn tủi mà nhận được sự bất mãn từ người thân nhất của mình sẽ càng trở nên căng thẳng, tiêu cực.
Khen con đúng cách chính là vẫn động viên con ngay cả khi trẻ không đạt kết quả bạn mong đợi. Hãy cho trẻ thấy thất bại không đáng trách, cũng không đáng sợ mà nên là động lực để trẻ phấn đấu hơn ở lần sau. Điều này cũng giúp trẻ xây dựng sự tự tin, ý chí kiên cường khi trưởng thành.
Thiên Khuê (Theo Familydoctor)