Khám phá chợ Tết đặc trưng ở phương Nam

Muốn mua lá dong thì đến chợ ông Tạ, muốn “thấy” Tết sớm thì ra chợ Lớn (chợ Bình Tây) hay mua hoa cúng Tết thì về chợ hoa Hồ Thị Kỷ… Đây là những chợ đặc trưng của TP Hồ Chí Minh, nơi mà mỗi khi thấy chợ đông đúc thì biết là Tết đã kế bến rồi.

Độc đáo chợ lá dong ông Tạ

Cứ mỗi độ cận Tết, khu vực ngã ba Ông Tạ (ngã ba giữa đường Cách Mạng Tháng Tám và Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) lại nhộn nhịp với cảnh người mua, người bán lá dong. Cả một đoạn đường được phủ một màu xanh mướt mà ai đi qua cũng thấy không khí Tết dường như đã ập vào nhà mình.

Theo các tiểu thương, chợ lá dong này đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Thời gian đầu, chợ hình thành để phục vụ nhu cầu mua lá dong về gói bánh chưng ngày Tết rồi dần phát triển và tồn tại đến ngày nay. Dù gọi là chợ, nhưng chợ này lại khá đặc biệt khi mỗi năm chỉ họp một lần duy nhất từ ngày 20 đến ngày 28 tháng Chạp. Chợ bắt đầu nhộn nhịp từ khoảng 5 giờ sáng cho đến khuya, khi đã hết khách.

Chú thích ảnh
Chợ lá dong ông Tạ mỗi năm chỉ họp một lần vào dịp gần Tết Nguyên đán. 

Chợ lá dong Ông Tạ không chỉ bán lá dong mà còn bán cả lá chuối, dây lạt, khuôn bánh chưng và đủ tất cả các vật dụng để có thể gói các loại bánh truyền thống như bánh chưng, bánh tét… Những mặt hàng này được các thương lái thu mua và vận chuyển từ các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây về phục vụ nhu cầu gói bánh chưng của người dân thành phố.

Nhiều năm đến chợ lá dong Ông Tạ để tận hưởng không khí Tết, cô Nguyễn Thị Liễu (ngụ quận 1) cho biết: “Hơn 15 năm rồi, không năm nào tôi không ghé chợ. Đi chợ mua lá dong về gói bánh là một phần, nhưng cái chính là tôi muốn “thấy” được cảm giác lâng lâng, nao nao khi Tết đến gần. Ra chợ, thấy ai cũng tất bật chọn mua những chiếc lá dong xanh mướt là tôi lại thấy không khí Tết của ngày xưa tràn về; rất xúc động, ấm cúng và ý nghĩa”.

Chợ hoa duy nhất phục vụ xuyên Tết

Đó là chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Nằm ẩn mình trong khu chung cư Lê Hồng Phong (quận 10), chợ hoa Hồ Thị Kỷ đã tồn tại hàng chục năm qua. Chợ được bao bọc bởi các tuyến đường lớn như Hùng Vương, Lý Thái Tổ và nằm chính trên con đường Hồ Thị Kỷ. Đây cũng là chợ khá đặc trưng và đặc biệt, bởi chuyên bán các loại hoa, từ trong nước đến nhập khẩu và hoạt động xuyên suốt 24 giờ/ngày, cũng như là chợ hoa duy nhất của TP Hồ Chí Minh không nghỉ trong dịp Tết.

Những tiểu thương kinh doanh lâu đời tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ cho biết, chợ hoa tồn tại hơn 30 năm và được mệnh danh là “cao nguyên Langbiang giữa lòng TP Hồ Chí Minh”.

Chú thích ảnh
Mỗi khi nghĩ đến hoa tươi để cúng Tết người dân TP Hồ Chí Minh thường nghĩ ngay đến chợ hoa Hồ Thị Kỷ. 

Nơi đây là đầu mối cung cấp hầu hết các loại hoa đẹp, đặc trưng của các vùng miền chuyển về như: Hà Nội, miền Tây và nhiều nhất là Đà Lạt. Từ các loại hoa cúc, vạn thọ, đồng tiền, cát tường đến các loại hoa lan hồ điệp, hoa hồng, hướng dương, lưu ly… cùng các hoa nhập khẩu làm cả con đường như nhuộm đầy màu sắc.

Vào những ngày giáp Tết, người dân TP Hồ Chí Minh đổ về đây, chọn cho mình những bó hoa ưng ý nhất để mang về chưng trong những ngày Tết. Một không khí rất rộn rã, tất bật, vui tươi mà chỉ chợ hoa Hồ Thị Kỷ mới có và đây cũng là nét văn hóa chợ Tết đặc trưng của TP Hồ Chí Minh.

Sắm Tết ở chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành – biểu tượng của TP Hồ Chí Minh, được coi là một trong những khu chợ tiêu biểu cho việc mua sắm Tết của người dân thành phố. Với diện tích hơn 13.000 m2, chợ Bến Thành là một trong hai ngôi chợ lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh.

Theo chị Lê Thị Hoa Mai (ngụ phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1), khi thấy chợ Bến Thành bán hàng Tết, thì dường như không khí mua sắm Tết đã bao trùm khắp TP Hồ Chí Minh. Bởi, chỉ cần đi quanh bốn cổng dẫn vào chợ, đều bắt gặp những sạp bánh mứt, đồ khô, hoa quả tươi… chất đầy. Chợ Tết ở đây hoạt động từ sáng sớm đến tận nửa đêm với đủ loại hàng hóa đặc trưng ngày Tết như: thực phẩm khô, lạp xưởng, mứt gừng, mứt bí, mứt me, kẹo thèo lèo, câu đối, bao lì xì, củ kiệu, dưa món…

Ngoài ra, chợ còn rất phong phú với các quán ăn vặt, món ăn đậm chất các vùng miền Nam Bộ. Theo Ban quản lý chợ Bến Thành, chợ không chỉ phục vụ hàng hóa đặc trưng ngày Tết tại miền Nam, mà còn là khu chợ tiêu biểu cho văn hóa thương nghiệp TP Hồ Chí Minh. Trong chợ có rất nhiều gian hàng của các hợp tác xã, công ty thương mại nhà nước bán quần áo may sẵn và vải vóc với giá vừa phải, niêm yết rõ ràng. Chợ Bến Thành cũng là khu chợ du lịch, thu hút du khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm.

Đến chợ Bình Tây là thấy Tết

Chú thích ảnh
Chợ Bình Tây mang kiến trúc hình bát quái. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Là ngôi chợ lớn thứ hai ở TP Hồ Chí Minh nên chợ Bình Tây còn được gọi là chợ Lớn. Chợ nằm tại khu trung tâm thương nghiệp của quận 6, do một tiểu thương người Hoa xây dựng vào khoảng năm 1928 với tổng diện tích là 25.000 m2. Chợ được xây dựng theo kĩ thuật hiện đại của Pháp nhưng kiến trúc Trung Hoa theo hình bát quái.

Chợ Lớn là đầu mối chuyên bán buôn, bán lẻ đủ các mặt hàng từ nhỏ nhất như tăm tre cho đến các loại đắt tiền như bào ngư, vi cá thượng hạng. Là chợ sỉ nên chợ Bình Tây nhộn nhịp bậc nhất TP Hồ Chí Minh và còn là đầu mối hàng hoá cho các tỉnh thành phía Nam, thậm chí cho các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Chú thích ảnh
Người dân trải nghiệm không khí Tết rộn rã trên đường Hải Thượng Lãn Ông trước khi vào chợ Lớn.

“Trước khi ghé vào Chợ Lớn, người đi mua sắm còn được trải nghiệm không khí Tết rộn rã dọc trên con đường Hải Thượng Lãn Ông và Tháp Mười. Hai con đường này nối liền với chợ Bình Tây và chuyên kinh doanh các mặt hàng dùng để trang trí nhà cửa trong ngày Tết như: trầu cau, các cây pháo hoa đăng, câu đối Tết, các hình dán, tranh vẽ Tết…”, anh Lê Vĩnh Phú, một người thường đi chợ Lớn cho biết. 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết 
Bạn cũng có thể thích