FPT Shop sắp mở 68 trung tâm laptop, động lực tăng trưởng chính trong năm 2021

Mảng laptop của FPT Shop tăng trưởng 60% trong năm COVID-19, trở thành điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của công ty bán lẻ này.
Sáng 22/1, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số (FPT Retail – FRT) chính thức khai trương 30 trung tâm laptop trên cả nước. Đây là bước khởi đầu cho kế hoạch phát triển 68 trung tâm laptop đến từng tỉnh thành ngay trong quý 1. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng Viễn thông Di động của FPT Shop cho biết mảng laptop của công ty tăng trưởng 60% trong năm vừa rồi, và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong năm nay. Mức tăng này là vượt trội so với trung bình toàn thị trường, khoảng trên 20%.
Theo ông Kha, FPT Shop đang đứng đầu thị trường về phân phối sản phẩm máy tính gaming và máy tính Macbook của Apple. Đại diện FPT Shop nói rằng, động lực cho toàn thị trường đến từ đại dịch COVID-19 khiến người dân sử dụng laptop để làm việc tại nhà. Bên cạnh đó, FPT Shop đẩy mạnh vào phân khúc cao cấp, các sản phẩm gaming tăng gấp 3 lần, trong khi Macbook tăng gấp đôi.
“Chúng tôi đã tập trung ngay từ tháng 4, tức là thời điểm giãn cách xã hội do đại dịch. Kể từ đó cho đến hiện tại, chúng tôi dành rất nhiều nguồn lực cho việc bán laptop”.
Hai động lực tăng trưởng chính của FPT Shop trong năm 2020 đến từ máy tính và sản phẩm Apple bù cho mảng điện thoại giảm sút.
Ông Kha cho biết, FPT Shop dành riêng một bộ phận chuyên bán các sản phẩm thương hiệu táo khuyết. Vị Giám đốc ngành hàng nói rằng công ty đang tích cực trong việc phân phối các sản phẩm iPhone mới nhất, tăng trưởng đạt mức 50% kể từ đầu năm. Ngoài ra, với các thương hiệu khác, FPT Shop tập trung vào các sản phẩm chiến lược mà nhà sản xuất tung ra để kéo lại thị trường smartphone đã bão hòa.
Trong năm nay, FPT Shop kỳ vọng laptop sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng từ 20 – 30%. Động lực sẽ đến từ các trung tâm laptop kiểu mới, nơi dành không gian cho khách hàng trải nghiệm, nhiều sản phẩm mới, nhân viên am hiểu – chuyên nghiệp và ưu đãi khác biệt…
Trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu của FPT Retail giảm 14%, đạt 10.729 tỷ đồng; lợi nhuận ròng rơi từ 230 tỷ của năm 2019 xuống mức 9 tỷ đồng.
Bạn cũng có thể thích