Dựng lều, ngủ đường để không… mất Tết

Gần đến Tết Nguyên đán, tiểu thương đã rục rịch lựa cho mình những vị trí đẹp, hút khách để kinh doanh các mặt hàng như: Đào, quất, bưởi bonsai, mai vàng, hoa lan, gốm trang trí… Họ phải dựng lều, ngủ ngoài đường để trông coi các mặt hàng với mong muốn có một cái Tết ấm no.
Dựng lều, ngủ đường để không... mất Tết - Ảnh 1.

Chủ nhà vườn Kim Thắng đã phải ăn ngủ trong lều bạt suốt nửa tháng nay để canh quất, bưởi trên đường Lạc Long Quân. Ảnh: Lê Bảo

Vất vả đủ đường nhưng… vui

Theo khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, tại nhiều địa điểm ở Hà Nội những ngày này, các tiểu thương bắt đầu bày bán những sản phẩm phục vụ Tết cổ truyền như: Bưởi bonsai, quất cảnh, đào cổ thụ, thậm chí mai vàng miền Trung hay các sản phẩm gốm sứ, quần áo, thảm trải sàn…

Năm nay, do nhiều yếu tố nên việc buôn bán, trưng bày các sản phẩm phục vụ Tết có phần chậm hơn so với những năm trước. Nếu những dịp Tết trước, thời điểm này khắp các tuyến đường, chợ hoa đã rầm rộ diễn ra cảnh mua/bán thì năm nay có đôi phần ảm đạm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được nhiều người đánh giá do dịch COVID-19 đã ít nhiều ảnh hưởng đến sức mua và người dân cũng chưa có tâm lý mua sắm cho dịp Tết cổ truyền.

Dựng lều, ngủ đường để không... mất Tết - Ảnh 2.

Nhiều gốc bưởi có giá trị cao nên ban đêm vừa tranh thủ chợp mắt, vừa phải canh phòng kẻ trộm.

Ghi nhận tại đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ), chủ vườn đào Văn Hoàn đã trưng bày hơn 100 gốc đào cổ thụ, đào thế để phục vụ nhu cầu thuê/mua của người dân. Theo chủ vườn Văn Hoàn, thời điểm cách Tết khoảng 1 tháng là lúc các doanh nghiệp, đơn vị đến thuê đào về trưng; còn khách lẻ đến thuê/mua vào khoảng 10 ngày trước Tết. Vì vậy, chủ vườn phải dựng lều bạt ngủ ngay tại vườn để canh hàng trăm gốc đào.

Anh Hoàn nói: “Lều bạt dựng tạm đủ cho 2 người có thể nghỉ ngơi. Để giữ sức “chiến đấu” đến những ngày cuối cùng của năm cũ, tôi phải thuê thêm 2 người nữa trông coi, chăm sóc cây phục vụ khách hàng. Do thuê lao động thời vụ, lại phải làm việc trong điều kiện vất vả nên tiền công cũng trả cao gấp đôi so với công việc khác”.

Dựng lều, ngủ đường để không... mất Tết - Ảnh 3.

Những chiếc lều đơn sơ nhưng là nơi ngủ, nghỉ của tiểu thương gần 1 tháng trời.

Trên đường Lạc Long Quân, chủ vườn bưởi cảnh, quất bon sai Kim Thắng cho biết: “Năm nào nhà vườn chúng tôi cũng cung ứng ra thị trường hàng trăm sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân chơi Tết. Để có “đất” kinh doanh, nhà vườn phải thuê mặt bằng cả tháng trời, đồng nghĩa với việc dựng lều bạt, ngủ vỉa hè trông coi sản phẩm”.

Lạnh tê tái vẫn phải cố vì Tết

Dựng lều, ngủ đường để không... mất Tết - Ảnh 4.

Nhiều tiểu thương mang mai vàng từ miền Trung ra Thủ đô phục vụ người dân chơi Tết.

Chủ vườn Kim Thắng bộc bạch: “Mỗi gốc bưởi cảnh có giá vài chục triệu đồng nên chúng tôi phải dựng lều bạt trông coi. Những ngày Hà Nội lạnh buốt, nhiệt độ dưới 10 độ C, ban đêm thậm chí không dám ngủ. Chẳng may mất một gốc bưởi coi như mất Tết nên dù lạnh, dù khó khăn trăm bề vẫn cố gắng bám trụ, trông coi cẩn thận”.

Đã nhiều năm ông Phạm Hữu Quỳnh (trú tại Bình Định) đưa mai vàng từ miền Trung ra Thủ đô phục vụ người dân chơi Tết. Ông Quỳnh chia sẻ: “Năm nay tôi ra Hà Nội trước ít hôm để khảo sát địa điểm và chuẩn bị trước để ít ngày tới xe vận chuyển mai ra đến nơi. Phải dựng lều ngủ qua đêm trông coi mai Tết nhiều năm rồi nên tôi quá “ngấm” sự khắc nghiệt của thời tiết miền Bắc. Tuy nhiên, dù lạnh dù buốt nhưng vì một cái Tết ấm no nên có vất vả thế nào đi nữa chúng tôi cũng phải cố gắng”. Những đêm quá lạnh, ông phải mua củi đốt lửa sưởi ấm để xua tan cái lạnh thấu xương.

Dựng lều, ngủ đường để không... mất Tết - Ảnh 5.

Những gốc đào thế, đào cổ thụ của nhà vườn Văn Hoàn trên đường Võ Chí Công.

Quất được biết đến là một trong những cây cảnh được người dân ưa chuộng dịp Tết cổ truyền. Ngoài quất Tứ Liên, các tiểu thương còn bày bán quất Hưng Yên. Nhiều tiểu thương, nhà vườn tại Hưng Yên đã và đang lên kế hoạch đưa sản phẩm của gia đình chào bán, giới thiệu đến người dân Thủ đô dịp Tết cổ truyền này. Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Nam Thành (trú tại Hưng Yên) cho biết: “Quất được chúng tôi gom mua của các nhà vườn tại đất Văn Lâm, Hưng Yên để phục vụ người dân. Do lượng quất cảnh, quất bonsai lớn nên chúng tôi phải bám trụ ở Thủ đô từ nay đến những ngày cuối cùng của năm cũ. Vì vậy, việc ngủ lều bạt là chuyện quá bình thường…”.

Dù vất vả, khó khăn… nhưng các tiểu thương đều mong muốn năm nay sẽ tiêu thụ được nhiều sản phẩm để sớm trở về đoàn tụ với gia đình những ngày Tết cổ truyền.

Lê Bảo

Bạn cũng có thể thích