Độc đáo với cách làm giò hoa ngũ sắc đón Tế Nguyên đán
Món ăn giò hoa ngũ sắc có đầy đủ hương vị của heo, gà, các loại rau củ và vị bùi bùi của trứng muối sẽ là món ăn tăng thêm hương vị cho ngày Tết Nguyên đán.
Mâm cơm Tết sẽ càng rực rỡ hơn với món giò hoa ngũ sắc thơm ngon lạ mắt, cách làm lại vô cùng đơn giản.
Bên cạnh giò thủ, giò tai heo thì món giò hoa ngũ sắc lạ miệng giải ngấy ngày Tết. Cách làm giò hoa ngũ sắc không quá phức tạp nhưng thành quả chắc hẳn sẽ là món quà Tết ý nghĩa cho cả gia đình.
Giò hoa ngũ sắc hay còn có thể gọi là chả trứng ngũ sắc có cách làm hơi cầu kỳ hơn so với giò thủ tai heo hay các loại giò khác. Tuy nhiên, cách làm không khó mà chỉ cầu kỳ trong phần chuẩn bị nguyên liệu.
Nguyên liệu làm giò hoa ngũ sắc bao gồm:
– 300g giò sống
– 300g thịt gà nạc xay
– 200g tai heo luộc
– 200g da heo luộc
– ½ củ cà rốt
– 5 quả đậu Hà Lan
– 20g nấm hương
– 20g mộc nhĩ
– 2 cây lạp xưởng ngon
– 7 lòng đỏ trứng muối
– 4 quả trứng gà
– Nửa củ tỏi hoặc 1 thìa bột tỏi
– Các loại gia vị: đường, bột canh, tiêu xay, bột năng, sữa tươi, dầu ăn,…
Ảnh minh họa nguồn internet
Cách làm món giò hoa ngũ sắc hay còn gọi là chả trứng ngũ sắc rất đơn giản với lớp ngoài là trứng tráng mỏng với nhân trứng muối thơm ngậy bên trong. Hỗn hợp giò ngũ sắc có đầy đủ hương vị của heo, gà, các loại rau củ và vị bùi bùi của trứng muối sẽ là món ăn tăng thêm hương vị cho ngày tết.
Bước 1: Chuẩn bị phần thịt:
Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, bào nhỏ thành các sợi ngắn
Nấm hương rửa sạch, ngâm với nước ấm cho nở ra. Tương tự như vậy, mộc nhĩ ngâm nở, sau đó rửa lại thật sạch. Thái mộc nhĩ, nấm hương thành dạng sợi nhỏ và ngắn.
Tai heo, da heo làm sạch rồi thái sợi mỏng và ngắn.
Trộn nạc gà xay với giò sống thành hỗn hợp giò, nêm nếm thêm với bột tỏi hoặc tỏi băm, 1 thìa bột canh, 2 thìa tiêu xay, nửa thìa đường. Chia đều giò thành 3 phần đều nhau, một phần trộn với cà rốt, một phần trộn với tai heo và da heo, một phần còn lại trộn với nấm hương và mộc nhĩ.
Ảnh minh họa nguồn internet
Bước 2: Chuẩn bị phần vỏ trứng tráng
Trứng đánh tan, trộn thêm với ½ thìa bột năng, 1 thìa sữa tươi. Nếu có dầu điều nên trộn thêm khoảng ½ thìa cho có màu sắc đậm đà. Việc trộn trứng với bột năng rất quan trọng giúp cho vỏ của giò hoa ngũ sắc dai hơn, không bị vỡ nát khi làm.
Đánh trứng thật đều bằng phới đánh trứng để màu sắc khi làm không bị loang lổ, sau đó bắc chảo lên bếp đợi nóng thì cho dầu vào, láng đều khắp mặt chảo rồi đổ dầu ra để chiên trứng cho phẳng mịn
Cho trứng vào chảo, dàn đều và vặn nhỏ lửa để chiên đến khi vành trứng tách hẳn ra khỏi chảo thì úp ra đĩa phẳng, để cho trứng nguội hẳn. Với 4 quả trứng có thể chiên làm 3 lần với 1 lần chiên dày và 2 lần chiên mỏng.
Bước 3: Hoàn thiện làm giò hoa ngũ sắc
Xếp lá cho phẳng, sau đó đặt miếng trứng dày có phần mặt đẹp phẳng mịn úp vào lá, trải 1 trong 3 loại giò vừa trộn lên khắp mặt trứng, dàn đều.
Ảnh minh họa nguồn internet
Lại đặt miếng trứng mỏng lên trên, ấn nhẹ cho chặt rồi lại trải tiếp lên trên đó 1 loại giò khác, dàn đều và đặt tiếp miếng trứng mỏng cuối cùng lên trên, trải nốt phần giò còn lại và dàn đều
Xếp phần lạp xưởng, đậu que, trứng muối lên trên cùng và hơi ấn cho chặt lại
Cuối cùng cuộn chặt tay, gói lá như gói bánh tét rồi cột lạt lại cho chặt
Đem giò hoa ngũ sắc hấp trong khoảng 40 tới 60 phút cho chín, vớt ra để nguội hẳn rồi cất vào trong tủ mát qua 1 hôm là có thể dùng ngay.
Lưu ý khi bảo quản giò hoa ngũ sắc: Vì có rau củ nên giò hoa ngũ sắc rất mau hỏng, chỉ có thể để được tối đa khoảng 1 tuần. Bởi vậy, nên cất liên tục trong ngăn mát tủ lạnh và nếu cắt ra ăn thì nên ăn hết luôn phần đã cắt, trành cho giò bị thiu.
Nếu muốn bảo quản giò hoa ngũ sắc lâu hơn, nên để lên tủ đông để đảm bảo chất lượng, khi ăn cắt một khoanh rồi đem hấp lại hoặc quay vi sóng. Với món ăn này, có thể thay một lớp trứng bên trong bằng lớp rong biển để tăng thêm màu sắc và hương vị.