Khát vọng đưa Tây Nguyên trở thành địa danh mới trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới ở lĩnh vực này là thách thức mới mà ông muốn chinh phục.
Khi “Bầu” Đức cười nhiều hơn
Cả khán phòng của buổi ra mắt HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) lặng đi sau câu nói của “bầu” Đức: “Có người bảo anh Dương thâu tóm tôi, tôi xin thưa là tôi năn nỉ anh Dương thâu tóm. Được anh Dương thâu tóm là một… vinh dự”.
“Bầu” Đức – tên gọi quen thuộc của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức vang danh từ cả chục năm trước bởi sự nhanh chân, dám làm. Cơ ngơi những rừng cao su ngút ngát và quỹ đất lên tới 84.000 ha tại Việt Nam, Lào, Campuchia tưởng sẽ mang đến cho ông bộn tiền, khi giá cao su tăng chóng mặt, chạm mức 5.300 USD/tấn ở thủa bắt tay vào trồng.
Nhưng thương trường khó đoán. Tới kỳ thu hoạch vào năm 2013, giá mủ cao su rớt tới 80%, xuống chỉ còn 1.100 USD/tấn, thậm chí còn thấp hơn, khiến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lao đao.
Những cánh tay chìa ra của Chính phủ, của các ngân hàng cách đây 7 năm không khác nào máy trợ thở kịp thời, giúp HAGL vượt qua thời khắc hiểm nghèo. Dẫu vậy, giá cao su không có dấu hiệu phục hồi khiến HAGL và cả HAGL Agrico dù không gục xuống, song chẳng thể đứng thẳng lên. Rồi ngân hàng cũng bắt đầu mỏi tay.
“Lúc đó, HAGL rất gian khó, không còn tiền, thậm chí tiền trả lương cũng không. Ra đường ai gặp cũng khinh. Tôi đã nói thật với anh Dương như thế. Khi anh Dương quan tâm tới việc đầu tư vào HAGL Agrico, tôi đã đưa anh qua Lào, Campuchia… Chỉ đôi ngày, hai anh em đã thống nhất được việc đầu tư vào mảng nông nghiệp tại HAGL”, “bầu” Đức chia sẻ.
Ông Đức coi việc doanh nhân Trần Bá Dương, thuyền trưởng của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) xuất hiện lúc đó là một vận may của HAGL. Ông Dương ngay lập tức rót 2.100 tỷ đồng “tiền tươi”, thậm chí không kịp cầm giấy tờ gì – như lời ông Đức kể. Vì nếu đủ thủ tục phát hành trái phiếu, xin ý kiến cổ đông sẽ cần 2 tháng, doanh nghiệp có thể đã không còn thở.
Sau hơn 2 năm hợp tác với bầu Đức, ông Dương và THACO đã rót vào HAGL Agrico gần 43.000 tỷ đồng.
Hiện giờ, sau Đại hội đồng cổ đông bất thường HAGL Agrico đầu tháng 1/2021, ông Trần Bá Dương ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT, chính thức bước chân vào cao tốc nông nghiệp, thênh thang đường lớn, thực hiện những giấc mơ dài cùng với HAGL Agrico.
Còn “bầu” Đức – chủ sở hữu 500 triệu cổ phiếu HNG của HAGL Agrico dường như đã bắt đầu trở lại những ngày xưa, vui vẻ hơn, cười nhiều hơn, nhẹ nhõm hơn…
“Tôi đã thoát khỏi vòng luẩn quẩn, đang trở thành người nợ ít nhất, nhờ bàn tay chìa ra đúng lúc, nhưng đầy tinh thần hợp tác để cùng đi lên của ông Dương”, “bầu” Đức nói.
Thậm chí, người đàn ông phong trần đến từ núi rừng Tây Nguyên phóng khoáng thừa nhận, ông còn học được từ người bạn mới nhiều điều mới mẻ và thay đổi bản thân theo hướng trầm tĩnh, ôn hòa hơn.
“Tôi cảm thấy vinh dự khi theo anh Dương kiếm tiền”, “bầu” Đức khảng khái khi nói về gánh nợ mang bấy lâu, nay nhờ có ông Dương, đã được nhấc xuống.
Và ông Dương chưa nghĩ đến việc dừng bước
Khi ông Dương dấn thân vào nông nghiệp cùng HAGL cách đây 2 năm, nhiều lời bàn rằng, THACO đang theo trend – lao vào trào lưu làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh. Nhưng, những cộng sự của ông Dương biết rằng, nông nghiệp đã được coi là đầu ra cho chính lĩnh vực cơ khí – ô tô mà ông dồn tâm sức bấy lâu.
Trước khi đi tới quyết định hợp tác với HAGL vào tháng 8/2019, ông Dương trăn trở nhiều về đường đi cho nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, mang tầm khu vực, trở thành mẫu hình mang tính tiên phong để đột phá và nâng tầm ngành nông nghiệp Việt Nam.
Sự xuất hiện của “bầu” Đức và HAGL dường như là duyên trời và là điểm tựa để giấc mơ nông nghiệp hữu cơ, đưa Việt Nam vào bản đồ sản xuất nông nghiệp thế giới của ông Dương đi nhanh hơn.
Nhưng cũng là lần nữa ông Trần Bá Dương khởi nghiệp, bước vào thách thức mới không hề giống những chướng ngại vật trên hai đường đua là cơ khí – ô tô và bất động sản mà ông đã lao tâm, khổ tứ trong hơn 20 năm qua.
Nông nghiệp là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều của thiên nhiên, thời tiết, mùa vụ và gắn với người nông dân vốn phần đông chưa quen với phương thức sản xuất công nghiệp quy củ, chuẩn chỉ. Nên việc đầu tiên ông Dương làm là đặt mục tiêu xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng ngay từ đầu và quản lý nghiêm túc trong quá trình hoạt động trên các yếu tố môi trường, xử lý chất thải hay thương hiệu để tạo uy tín với khách hàng. Ông tin rằng, đây là chìa khóa để mở lối thênh thang trong tương lai, không chỉ cho kế hoạch khởi nghiệp trong nông nghiệp của cá nhân ông.
Quyết định này có… giá gần 43.000 tỷ đồng – khoản tiền tươi ông Dương đã bỏ ra trong 2 năm qua cho HAGL Agrico. Mô hình quản trị của doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn, bài bản từ kinh nghiệm thực tế có được tại THACO đã được nghiên cứu đưa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp tại HAGL Agrico, bên cạnh phương pháp quản lý đang áp dụng bấy lâu để có những đối chứng.
Kết quả là, “bầu” Đức đã tuyên bố: “HAGL cứ học theo cách ông Dương làm”. Cổ phiếu HNG của HAGL Agrico dậy sóng, đạt mức giá trần liên tiếp nhiều phiên…
Còn vị tân Chủ tịch HĐQT của HAGL Agrico thận trọng hơn: “Tôi cần có thời gian và mong cổ đông đừng kỳ vọng quá về sự đột biến lợi nhuận ngay lập tức”.
Trong tính toán của ông, cây cao su giống như con nhà bình dân, không phải chăm bón gì đặc biệt, thì cây ăn trái lại như con nhà đại gia, phải mất công chăm sóc, nuông chiều và cần có thời gian. Cũng cần phải có nhân lực làm việc chuyên nghiệp để diện tích 84.000 ha cho quả ngọt…
Ông cũng tính đến mảng thương mại – dịch vụ, như điều tất yếu để khép vòng chuỗi giá trị trong các lĩnh vực sản xuất lớn mà THACO đang theo đuổi.
“Tôi vẫn xem nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng. Nếu làm tốt trên nền tảng hữu cơ, thì nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, đây là lĩnh vực có tính ảnh hưởng lan tỏa rộng và nhanh đến đời sống người Việt”, ông chia sẻ và cho hay, sẽ làm ráo riết trong 2 – 3 năm nữa để mảng nông nghiệp vào nề nếp.
Xa hơn nữa, sau khi doanh nghiệp lớn đã hoàn thành chuỗi giá trị, tìm ra mô hình phù hợp, sẽ chuyển giao công nghệ, mô hình cho người nông dân. Khi đó, người nông dân nhỏ lẻ sẽ được tham gia một chuỗi giá trị vững mạnh, được bảo vệ, được cam kết về đầu ra của hàng hóa.
Nghĩa là ông Dương không thể dừng lại, dù từng cam kết với gia đình, đây sẽ lần dấn thân, đối mặt với thách thức cuối cùng của ông. Trong quan điểm kinh doanh của ông, không có chỗ cho sự may mắn. Mọi việc đều phải bắt đầu từ triết lý kinh doanh, từ đó đưa ra các quan điểm, nguyên tắc để định hướng cho các nghiệp vụ, ngành nghề kinh doanh. Khi đó, chiến lược kinh doanh phải đảm bảo sự khác biệt, đi kèm phương thức, phương pháp quản trị và đội ngũ phù hợp.
“May mắn không bao giờ đến mãi và may mắn không bao giờ là 99%. Để tạo nên thành công, 99% vẫn là chất xám, công sức và mồ hôi của mình”, ông Dương nói.
Bạn cũng có thể thích