Đặc sản vùng miền được người tiêu dùng quan tâm nhiều vào dịp Tết

Chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Năm nay, nhu cầu mua sắm nông sản, đặc sản vùng miền của người tiêu dùng tăng cao, khiến thị trường trở nên sôi động.

Những ngày này, trên thị trường, bên cạnh nhóm hàng thiết yếu, nhiều loại đặc sản vùng miền đã được người tiêu dùng đặt mua để sử dụng và làm quà biếu dịp Tết. Giá các sản phẩm cũng khá ổn định. Cụ thể, măng Tuyên Quang, Sơn La giá bán buôn 200.000 – 230.000 đồng/kg, măng rối có giá 130.000-150.000 đồng/kg, nấm hương rừng Hà Giang 450.000 – 500.000 đồng/kg, thịt trâu, bò gác bếp các tỉnh miền núi Tây Bắc 900.000 – 1 triệu đồng/kg, cá kho làng Vũ Đại giá từ 600.000 – 1,5 triệu đồng/nồi 1,5 – 4kg.

Chị Lê Thu Trà, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh đặc sản vùng miền trên phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, các loại đặc sản như thịt trâu gác bếp, nấm hương rừng Sa Pa, măng khô Tuyên Quang, cá kho làng Vũ Đại, chả mực Quảng Ninh, nem chua Thanh Hóa, tôm chua Huế… đang là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng đặt mua.

Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ đặc sản vùng miền 2020

Gạo là biểu tượng cho sự ấm lo, trù phú. Mong một năm thịnh vượng, an lành đến người được tặng. Chị Nguyễn Ánh Nhật, chuyên kinh doanh các sản phẩm đặc sản vùng miền tại Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) hiện đã lên các giỏ quà tặng trong đó có bộ quà tết “có nếp, có tẻ”. Set quà gồm hơn 5kg gạo nếp và 9kg gạo Bắc Hương và được đựng trong túi giấy thân thiện với môi trường kèm theo đó là một túi mùi già. Cùng với đó, có rất nhiều các sản phẩm khác như: bưởi đỏ, cam Con Cuông, mứt đậu đỏ, mứt gừng Huế, mứt dừa non…. phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Đặt trước đơn hàng Tết, khách hàng sẽ được giảm 3% giá trị hóa đơn hoặc số tiền tương ứng được góp vào Chương trình “Đông Ấm” tại Thượng Ân (Bắc Kạn).

Bộ quà tết “có nếp, có tẻ” của chị Nguyễn Ánh Nhật, chuyên kinh doanh các sản phẩm đặc sản vùng miền tại Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội)

Không chỉ xuất hiện tại hệ thống chợ truyền thống, các cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng đã đồng loạt đưa ra thị trường mặt hàng đặc sản các miền, trong đó chú trọng sản phẩm hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông – cho biết, hiện, hệ thống Co.opmart đã chuẩn bị khoảng 1,2 triệu giỏ quà Tết, trong đó chú trọng tới các mặt hàng đặc sản vùng miền như trái cây khô và các hạt dinh dưỡng. Tại hệ thống Co.opmart sẽ hội tụ đặc sản 3 miền Bắc – Trung – Nam như: Cá trắm kho làng Vũ Đại, bánh tét Trà Vinh, chả bò Đà Nẵng, măng ngâm mắc mật Lạng Sơn, giò me Nghệ An…

Đại diện Công ty TNHH Vincommerce, công ty đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ tháng 9/2020 và đến nay hầu hết hàng hóa đã về dự trữ tại các kho hàng của doanh nghiệp. Riêng đối với mặt hàng thịt, doanh nghiệp đã nhập khẩu 40 tấn thịt lợn và 15 tấn thịt gà… Tại hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+, các đặc sản vùng miền, vật phẩm địa phương như gạo nếp Tú Lệ (Yên Bái), măng khô Bắc Kạn, chả mực Hạ Long, tôm chua Huế,… cũng được bày bán.

Hệ thống siêu thị Hapro cũng đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền. Phó Tổng giám đốc Hapro – Đỗ Tuệ Tâm – cho biết, hiện hệ thống siêu thị Hapro đã đưa ra thị trường bộ sản phẩm đặc sản vùng miền với các tỉnh phía Bắc như miến dong, bún khô, mỳ gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La, Bắc Giang; cam, thịt trâu bò gác bếp Hà Giang…

Tổng giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Bảo Minh – bà Ngô Thị Tính – cho biết: “Bảo Minh đã chuẩn bị 150 tấn mứt, bánh kẹo các loại phục vụ người dân Thủ đô và các địa phương khác mua sắm Tết, tổng giá trị hàng hoá ước tính hơn 10 tỷ đồng”.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc nhập khẩu hàng hóa gặp khó khăn, đặc biệt cước vận tải tăng cao do thiếu container rỗng. Nhiều doanh nghiệp phân phối cho biết, thay vì nguồn hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh phân phối hàng trong nước, đặc biệt là đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP.

Hàng hóa đã được bày trên kệ của các siêu thị phục vụ người tiêu dùng

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng từ các doanh nghiệp phân phối, cửa hàng thực phẩm sạch, từ ngày 27/1 – 31/1, tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Long Biên, Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch Hà Nội cũng tổ chức Hội chợ đặc sản vùng miền – Happy Tết 2021 với quy mô 120 gian hàng. Trong khi đó, từ ngày 30/1 – 4/2, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức Hội chợ nông sản thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu với quy mô 250 gian hàng.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch Hà Nội – bà Nguyễn Thị Mai Anh – cho biết, hội chợ sẽ là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La… quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, đồng thời góp phần thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa.

Còn theo bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, việc tổ chức hội chợ, điểm bán hàng cố định của ngành công thương Hà Nội đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa đặc sản vùng miền tiếp cận người tiêu dùng Thủ đô, qua đó ngăn chặn tình trạng khan hàng sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là hoạt động góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kích cầu tiêu dùng.

Theo congthuong.vn

Bạn cũng có thể thích