CEO Starbucks Việt Nam: ‘Sức uống của người Việt hồi phục rất nhanh’

Sức mua của khách nội địa phục hồi hoàn toàn so với trước dịch và việc sẵn lòng chi trả ly cà phê 90.000 đồng đã tốt hơn, theo CEO Starbucks Việt Nam.
Trong cuộc trò chuyện nhân dịp Starbucks hướng tới kỷ niệm 50 năm ra đời mới đây, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam đánh giá tích cực về khả năng tiêu dùng của khách nội địa trong suốt một năm biến động vì đại dịch.
“Thời điểm cuối tháng 4/2020, khi giãn cách xã hội vừa kết thúc, chúng tôi thực sự ngạc nhiên về sức mua của người Việt, có lẽ vì hai tuần ở nhà nên nhu cầu của họ bị dồn nén. Thị trường nội địa khôi phục rất tốt. Bản thân chúng tôi còn bất ngờ”, CEO Starbucks Việt Nam cho biết.
Khi đợt dịch thứ 2 và 3 xuất hiện, người tiêu dùng đã cẩn trọng hơn vì hiểu rằng dịch sẽ đến và đi theo từng đợt. Khi ấy, đường sá vắng hẳn mỗi lần bùng dịch nhưng sức mua tại chuỗi vẫn tốt. “Lúc này, không tính lượng khách nước ngoài thì khách nội địa đã hồi phục 100% so với trước dịch”, bà nói.
Thậm chí, Starbucks ghi nhận các cửa hàng trong các cộng đồng dân cư địa phương (local neighborhood) kinh doanh còn tốt hơn trước, bởi khách đã hình thành thói quen đến các cửa hàng gần nơi ở chứ không cần ra trung tâm quận 1, TP HCM. “Vấn đề bây giờ là chúng tôi làm sao để lấy khách địa phương bù được luôn khách du lịch đã mất vì dịch”, bà nói.
Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam. Ảnh: Starbucks Việt Nam.

Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam. Ảnh: Starbucks Việt Nam.

Vào Việt Nam được 8 năm, đến nay Starbucks đã có 67 cửa hàng ở TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Xét về doanh thu, năm 2019, chuỗi này đứng thứ 3 thị trường sau Highland và The Coffee House với 783 tỷ đồng.
Bà Marques từng nói rằng không chạy đua về số cửa hàng và theo đuổi triết lý kinh doanh riêng, mang lại dòng sản phẩm đồng nhất trên toàn thế giới, thay vì thay đổi theo từng địa phương.
Điều này cũng một phần khiến thương hiệu kén khách hơn. Tuy nhiên, sự phục hồi về sức mua nội địa tại chuỗi này phần nào cho thấy Starbucks vẫn có một tập khách hàng trung thành và chịu chi riêng. “Khả năng tiêu dùng của họ cho sản phẩm cũng tốt hơn. 8 năm trước, khách mua một ly nước 90.000 đồng thì thấy ngại, nhưng giờ họ tin tưởng về thương hiệu và sẵn sàng chi trả tốt hơn”, bà nói.
Không chỉ bán đồ uống, Starbuck còn “thắng đậm” ở mảng kinh doanh các vật dụng bán kèm như bình, ly. Công ty cho biết 2020 là năm kinh doanh bình, ly rất tốt ở Việt Nam, hơn hẳn nhiều thị trường khác. “Khách hàng thường xuyên than phiền chúng tôi về việc hết hàng”, vị CEO nói thêm.
Năm nay, Starbucks Việt Nam không chia sẻ việc mở thêm bao nhiêu cửa hàng, nhưng bà Marques cho biết, nếu không bị buộc đóng cửa để giãn cách vì dịch thì sẽ không dừng việc mở thêm cửa hàng mới.
Theo đó, CEO Starbucks cho hay sẽ khai thác thị trường mới là Nha Trang vào tháng sau, với 2 cửa hàng đầu tiên hoạt động trước dịp 30/4 và sau đó là một cửa hàng khác. Hà Nội cũng có thêm 2 cửa hàng trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 9. Riêng TP HCM sẽ thêm rất nhiều cửa hàng mới, tập trung vào quý III.
“Sức uống” khôi phục mạnh và mặt bằng trống đang nhiều có thể sẽ là điểm thuận lợi cho Starbucks khi muốn mở rộng chuỗi. Nhưng với góc nhìn của nữ CEO, đại dịch đi qua cũng là lúc cần nhìn lại chiến lược kinh doanh.
Theo bà Marques, nhờ Covid-19, có rất nhiều mặt bằng để lựa chọn. Ví dụ, vào năm 2019, nếu muốn thuê một mặt bằng ở Đồng Khởi (quận 1, TP HCM) rất khó, mà giá lại cao 35.000-40.000 USD một tháng. Giờ hàng loạt mặt bằng có sẵn ở đây nhưng không có nghĩa là giá thuê giảm hoặc nên thuê.
“Chúng tôi thận trọng vì còn phải nhìn xem phản ứng tiêu dùng sau đại dịch. Ngày trước, Đồng Khởi có khách du lịch, giờ mở ra không có lượng khách này, trong khi khách nội địa chưa chắc đến đây uống Starbucks”, bà nói và cho biết nhận ra sự thay đổi rất lớn ở hành vi người uống tại TP HCM.
Những người sống ở các quận như Thủ Đức, Gò Vấp.. không còn vào trung tâm quận 1 chơi nhiều vào cuối tuần nữa, trong khi ngày xưa họ sẽ kéo vào rất đông. Giờ ngay tại nơi họ sống có đầy đủ trung tâm thương mại, rạp phim, nhà hàng. Ở đó cũng có Starbucks nên họ chọn gần nhà. Cuối cùng, những quán ngoại vi lại ít bị ảnh hưởng trong khi các quán ở trung tâm ảnh hưởng nhiều nhất.
“Và tôi không nghĩ là họ sẽ quay lại thói quen ngày trước. Những điều đó cũng làm chiến lược kinh doanh thay đổi”, bà nói. Hay như thái độ của khách về các vấn đề môi trường cũng là một áp lực phải cải thiện.
Starbucks ra đời tại Mỹ năm 1971, đến ngày 9/9 tới là tròn 50 năm. Thương hiệu này mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2/2013, ở TP HCM.
Cách đây 25 năm, bà Marques là nhân viên một cửa hàng Starbucks ở California. Dịp công ty kỷ niệm 25 tuổi, các nhân viên như bà được phát chiếc áo thun màu xanh, với phần lưng in nhiều ngôi sao kèm dòng chữ “To 1000 stores. Dream big”.
Khi đó, chuỗi này có ít hơn 400 cửa hàng ở Mỹ và nhiều nhân viên đùa rằng, tham vọng 1.000 cửa hàng thật “điên rồ”. Bà Marques thừa nhận khi ấy không thể nào hình dung rằng thêm 25 năm nữa, Starbucks có hơn 30.000 cửa hàng trên toàn thế giới, và bản thân bà trở thành Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam.
Viễn Thông
Bạn cũng có thể thích