Xuân sang ướp trà hoa bưởi

Mùa hoa bưởi năm nay khẽ chạm Hà Nội trong một buổi sớm mai mưa xuân giăng giăng, khi cành đào bên cửa sổ vẫn chưa lụi tàn và hương mùi già trong lọ tinh dầu nơi góc phòng vẫn chưa hề phai nhạt. Vẻ đẹp của hoa đào mong manh, duyên dáng đến độ người ta dễ dàng dung thứ cho cái sự hữu sắc vô hương của nó mà luôn trọng vọng cho một ngôi cao. Hoa bưởi thì chẳng được săn đón đến vậy, dù cho thị dân Hà Nội vẫn dành trọn một niềm yêu cho những chùm hoa béo múp, thơm dịu dàng nơi góc phố mỗi độ Tết tàn.

Mùa hoa bưởi cũng là khoảng thời gian duy nhất trong năm mà tôi có thể thưởng thức thứ trà hoa mang hương vị tươi tắn do bản thân tự tẩm ướp. Trà hoa bưởi đúng chẳng phải của hiếm, chúng có thể dược tìm thấy trong một cửa hiệu bán trà kiểu truyền thống bất kỳ và kể cả ở những hiệu trà mang hơi hướng trẻ trung hơn. Thế nhưng đó là trà ướp hoa đã được xao khô để tiện bảo quản và lưu trữ quanh năm chẳng thể có được cái hương thơm tươi tắn, căng tràn nhựa sống trong món tinh hoa mà tôi vẫn tự thưởng cho mình trong những ngày này. Giống như sự luân chuyển của tiết khí, như những vụ mùa, chẳng thể có được khi thời gian hữu hạn dành riêng cho nó đã qua đi, trà hoa bưởi tươi chỉ  có thể thưởng thức được trong những ngày xuân mới.

Người ta cho rằng uống trà là nghi thức để kiếm tìm chữ tịnh trong tâm, chẳng phải tự nhiên mà trà là thức uống của các vị thiền sư và những bậc học giả trong suốt chiều dài lịch sử của các quốc gia Đông Á. Thế nhưng nếu chỉ dừng lại ở uống, chẳng bao giờ là đủ để cảm trọn vẹn những nét tinh túy của loài cây lá đặc biệt này. Phải bỏ lại đằng sau tất cả: cái tôi, địa vị, bản ngã để trở thành một “trà nô” khiêm nhường thì mới mở được tâm mà hiểu thấu cái lý của trà và niềm vui thực sự của việc thưởng trà. Quay trở lại những ngày xưa cũ, chẳng hiếm những vị vua chúa đứng trên thiên hạ nhưng lại kính cẩn cúi mình trước trà mà tự nhận bản thân là một “trà nô”. Hoàng đế Tống Huy Tông chiêm nghiệm về trà qua việc xắn tay làm trà từ búp tươi cho tới thành phẩm như một nhà nông, một thợ thủ công đích thực để cuối cùng, để lại cho hậu thế tác phẩm Đại Quan Trà Luận mà đến giờ vẫn là sách giáo khoa của những trà nô hậu thế. Chúa Trịnh Sâm đã sống cùng điển tích “trà nô, tửu tướng” như một  chuẩn mực nghi thức cho những kẻ sành sỏi: uống rượu phải có người hầu cận, dùng trong lúc hân hoan như thể một công thần dự yến còn với trà thì phải khiêm nhường như kẻ nô bộc, nhất định phải tự tay phối chế để thưởng thức.

Hoa bưởi là loại hoa thân thuộc với người Việt Nam, được sử dụng nhiều trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong các món ăn thức uống quen thuộc như: Trà ướp hoa bưởi, hương liệu trong món bánh trôi, hương liệu làm bột sắn dây, tinh dầu bưởi… Trong đó, tinh tế nhất vẫn là sử dụng hoa bưởi để ướp trà. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Sau Tết, cuối mùa xuân, khi trời mưa lây phây, thời tiết nồm ẩm là lúc hoa bưởi nở rộ thơm ngạt ngào. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Hương hoa bưởi thơm quý, xao xuyến lòng người, chẳng thế mà đã trở thành đề tài cho bao áng thi ca nổi tiếng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Nguyên liệu quan trọng nhất trong ướp trà hoa bưởi không chỉ là chọn được loại trà ngon (người Hà Nội thường chọn trà Tân Cương đã ủ qua mùa cho bớt hăng), mà còn là những bông hoa tươi, có hương thơm ngát. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Ngày nay, để có được ấm trà ướp hoa sạch, cố gắng tìm nguồn hoa không bị phun thuốc. Những bông hoa dùng để ướp phải hái trong ngày, mới hé nở, có màu trắng trong để đảm bảo đủ độ tươi, căng, tròn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Công đoạn sơ chế hoa rất quan trọng. Chuyên gia trà Việt – một trong số ít nghệ nhân còn “chung thủy” với lối sản xuất trà thủ công truyền thống – ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, tốt nhất chỉ nên dùng cánh hoa để ướp trà. Vì phần nhụy chứa nhiều nước, nếu ướp lẫn dễ làm trà thối nhũn, pha ra bị đỏ nước và có vị đắng, ôi ủng.

Chính vì thế, sau khi lấy hoa từ vườn về, để đảm bảo giữ được hương vị tươi ngon nhất của hoa, tốt nhất nên tách cánh hoa ngay để ướp trà trong ngày. 

Hoa bưởi là loại hoa rất đậm hương, nên chọn chỗ ngồi thoáng mát để sơ chế cánh hoa. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Những cánh hoa tươi, thơm ngọt ngào sau khi sơ chế sẽ dùng ướp luôn trong ngày. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Phần nhụy hoa không nên vứt bỏ vì nó chứa lượng lớn tinh dầu. Hãy tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên này cho việc làm đẹp, bằng cách cho vào nồi, đổ sâm sấp nước rồi đun sôi khoảng 5 phút, chắt lấy nước cốt dùng pha nước tắm, vừa thơm, vừa tốt cho sức khỏe cả gia đình. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Để ướp trà, có thể dùng hộp giấy carton, nồi hoặc thạp gốm, sứ… Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý công đoạn đảo trà (thông hoa), cho trà bay bớt hơi ẩm. Quá trình đảo trà thực hiện khoảng 2 tiếng mỗi lần trong cả thời gian ướp trà khoảng 2 ngày. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Mỗi một lớp trà là một lớp cánh hoa. Sau khi đủ thời gian ướp trà, ta tiến hành sàng hoa, nhặt hoa khỏi trà và bắt đầu sấy trà. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Bước cuối cùng là sấy khô trà hoa. Có thể sấy bằng chảo gang trên than hồng (không sấy lửa lớn khiến trà bị cháy, nhiệt độ tốt nhất chỉ khoảng 90-100 độ C), bằng đèn hoặc thời nay đã có máy sấy trà chuyên dụng. Trà khô rải ra để nguội trước khi cất vào hũ dùng dần. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Thủ đô hôm nay đã hết những ngày hàng quán phải cửa đóng then cài. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Các thực khách Hà Nội thích thú thưởng thức trà hoa bưởi giữa mùa hoa đang ngát hương. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Nhã An (ST)

 

Bạn cũng có thể thích