Truyện ngắn: Dấu chân trên bờ cát

Nắng. Nắng như đổ lửa. Tôi dừng xe máy bên vệ đường dưới hàng cây uống ngụm nước mang theo, mở ví giở tấm ảnh ông Sơn chụp cách đây mấy năm trong ngày họp mặt trung đoàn. Đôi mắt ông thật nghiêm nghị chẳng khác gì ngày xưa như gửi gắm bao điều. Lạ sao những câu chuyện ngày nào cứ văng vẳng trong tôi.

“Ông có tin không? Nhiều đêm vợ tôi về. Cô ấy vẫn trẻ thế nhưng đôi mắt buồn rười rượi, không hề cất tiếng, đi rất nhẹ nhàng quanh giường tôi, lại có lúc đứng lơ lửng không trung. Tôi gọi nhưng chẳng hiểu vì sao định cất lời mà cứ nghẹn trong cổ. Tôi choàng dậy không thấy vợ đâu chỉ ngửi thoang thoảng mùi hương nhu, bồ kết, lá sả. Đúng là vợ tôi vừa về. Cô ấy luôn gội đầu những thứ đó. Ông có tin không?”
Ảnh minh họa
“Ông này, người ta bảo bây giờ có máy ảnh hiện đại chụp được cả linh hồn và bóng dáng người chết. Có đúng thế không? Giá tôi có máy ảnh ấy. Tốn bao tiền tôi cũng mua. Ông tin có máy đó không?”
Ví thử không tin cũng phải tin. Cái giọng nhỏ to đầy bí hiểm, hệ trọng, tha thiết rồi nét mặt nhàu nhĩ, khắc khổ, đôi mắt u buồn khiến tôi không nỡ bác bỏ điều ông kể. Có thể ông quá thương nhớ vợ mà sinh ra mộng mị nhưng cũng có khi là do phát bệnh ngày trước. Ông đã là “liệt sĩ” từ cuối năm 1974. Rành rành em ông nhận giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công. Xã đã tổ chức lễ truy điệu các liệt sĩ trong đó có ông ở trụ sở ủy ban. Vậy mà như có phép thần kỳ, ông ngơ ngẩn trở về cùng với người làng – một cựu chiến binh…
***
Tôi đỗ xe trước cổng nhà ông.
“Bác mới đến à?”. Vĩnh, cháu ông từ nhà bên hấp tấp chạy ra mở cổng. Tôi đã gặp cậu ta đôi ba lần trước đây. Tôi xách đồ lễ bước vào sân. Vĩnh loay hoay lựa chìa mở chiếc khóa to bằng bàn tay.
Tôi biết tin ông Sơn mất quá muộn, đã thế lại phải cách ly mười bốn ngày do đến một nơi xảy ra dịch Covid. Nhà tôi cũng xa, cách chỗ ông những hơn trăm cây số mà thôn ông heo hút quá, ở một xã vùng cao có tới mười sáu thôn bản. Ông theo gia đình từ Thái Bình lên huyện miền núi này để xây dựng vùng kinh tế mới.
Ban đầu gia đình ông ở một xã ven đường tỉnh gần huyện lỵ rồi chuyển hẳn vào đây sau trận ném bom ác liệt của máy bay Mỹ vào khu vực ấy.
Tôi thắp nén nhang đứng lặng trước ban thờ. Ông trong bức ảnh màu với quân phục sĩ quan đang nghiêm nghị nhìn tôi. Vẫn bức ảnh chụp năm nào mà tôi đã lưu giữ nay cứ bồng bềnh trong tôi.
Một người lính từ cõi chết trở về.
Cô gái từ trong ấp ra miệt vườn thấy một chiến sĩ giải phóng bê bết máu khô bên chòm cây đã về nhà gọi ba má. Đó là cơ sở kháng chiến. Ba cô làm nghề thuốc. Khi người lính đã lành vết thương cũng là lúc giải phóng Sài Gòn. Người lính ấy thật hiền lành, chịu khó làm đủ mọi việc của gia chủ, chỉ có điều ngây ngô, đờ đẫn, chẳng nhớ gì hết kể cả quê hương, gia đình. Giá không có người làng vào trong ấy chắc người lính đó không biết bao giờ mới trở về nhà. Người làng là ông Duyệt, cựu chiến binh cùng đồng đội trở lại chiến trường xưa thăm gia đình ân nhân đã cưu mang mấy chiến sĩ. Người lính ấy đã qua hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, uống đủ thuốc Nam thuốc Bắc mới trở lại bình thường.
Tôi chăm chăm nhìn bức ảnh đen trắng in dấu một bàn chân trên bờ cát. Một bức ảnh lạ lẫm mà tôi đã nhìn thấy lần đầu tới đây, đặt kề bên bức ảnh ông. Vài ba lần tôi hỏi ông về bức ảnh lạ lùng nhưng ông ậm ừ qua loa, có ý lảng tránh, để mặc tôi suy đoán. Hẳn đó là dấu vết của người vợ liệt sĩ? Vợ ông hy sinh khi cùng đội dân quân vượt sông sang phục vụ trận địa pháo cao xạ phục kích máy bay giặc Mỹ. Vợ ông mất hơn tháng, trước ngày xã tổ chức lễ truy điệu các liệt sĩ, trong đó có ông. Nhưng sao không thờ ảnh vợ mà chỉ là dấu bàn chân? Hay là dấu chân ấy là dấu chân của người con gái đã cứu ông ở miệt vườn? Chẳng lẽ vì căn bệnh quái ác trong đầu, ông lại thờ một dấu chân hoang tưởng, tâm linh? Thật là bức ảnh bí hiểm.
Ở quê vợ tôi dưới núi đá có một dấu chân khổng lồ in trên tảng đá gọi là dấu chân Phật xuống truyền đạo – theo truyền thuyết. Dân làng đã dựng ngôi đền khang trang và dập dấu chân Phật vào phiến đá tân tạo đưa lên thờ cúng. Tôi cũng đã đến một tòa thánh nổi tiếng mà người dân thờ phụng vị thánh chỉ có một mắt. Phải, chỉ có mỗi con mắt rõ to nhưng không có người. Cho đến nay tôi vẫn không hiểu vì sao lại như thế. Còn dấu chân trên bờ cát?
– “Chị Phúc cháu có kịp về chịu tang bố không?”. Tôi hỏi Vĩnh khi cháu ngồi bần thần trên ghế. Phúc là đứa con duy nhất của ông Sơn đã đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
– Chị cháu khóc ghê lắm, nói không rõ lời. Ở bên ấy đang đại dịch, dừng hết các chuyến bay nên chị chẳng về được. Không ngày nào là chị không gọi điện mà cứ nức nở gọi bố. Khổ quá bác ạ …
– Trước khi mất, bác cháu có dặn gì không?
– Có ạ, nhưng mà…
– Bí mật hả cháu? Nếu vậy…
– Không ạ. Bác cháu bảo, bao giờ chị Phúc cháu về, bố cháu sẽ kể về lai lịch bức ảnh bàn chân…
– Bác biết có được không?
– Được ạ.
Hóa ra câu chuyện không bí hiểm như tôi nghĩ. Mơ, vợ ông Sơn cùng đội dân quân vừa lên thuyền sang sông thì máy bay Mỹ ào tới. Bom đạn trút xuống khắp khu vực. Một phóng viên ảnh đi cùng cũng bị trúng đạn, cố gượng lên bờ thì ngã gục. Cả thuyền đều chìm nhưng chỉ có Mơ là hy sinh ngay lúc đó. Anh phóng viên ảnh đưa về trạm xá xã cũng tắt thở. Người ta thấy trong phim máy ảnh anh có dấu một bàn chân trên bờ cát. Ai nấy đều nhận ra đó là bàn chân của Mơ, người đi trước phóng viên. Chỉ có điều không người nào giải thích nổi là vì sao chỉ có dấu chân. Máy ảnh rơi khi anh phóng viên vừa đưa máy lên chụp? Anh ta chủ trương chỉ chụp bàn chân người con gái duy nhất trong đội? Hay là chỉ do sự cố máy ảnh? Thời ấy người chụp ảnh rất hiếm mà ở thôn Chuổi hẻo lánh chẳng ai có ảnh riêng. Tấm ảnh dấu chân Mơ trở thành cổ nhất thôn.
Tôi tiến lại gần, nhìn chăm chú vào bức ảnh đen trắng. Không có gì lạ. Một dấu chân thon thả trên bờ cát mép sông. Phía trước là con sông yên ả, không một gợn sóng, xa xa là đồi núi rừng cây.
– Hẳn bác cháu quý bác gái lắm?
– Vâng ạ. Giá bố cháu ở nhà hôm nay sẽ kể về hai bác ấy. Cả xã đều khen bác Sơn, bác Mơ. Bố cháu bảo cả huyện này chưa chắc có cặp vợ chồng nào hợp nhau như hai bác ấy…
Ông Sơn, cán bộ thủy lợi huyện nhập ngũ trước tôi vài năm khi đã có vợ và con gái đầu lòng. Chúng tôi có thời gian dài cùng chiến đấu mặt trận Tây Nguyên. Sau trận đánh chiến dịch đường Chín – Nam Lào tôi được điều về tiểu đoàn mới còn ông thăng cấp bổ sung vào trung đoàn Đông Nam Bộ.
Tôi theo cháu Vĩnh ra nghĩa trang đồi Son – nơi ông Sơn yên nghỉ. Đó là quả đồi bên sông. Mộ ông ở lưng chừng đồi nhìn thẳng ra bến sông – chính là chỗ cách đây mấy chục năm vợ ông cùng đồng đội lên thuyền sang bên kia phục vụ trận địa pháo.
– Bố cháu kể trước khi mất, bác cháu bảo phải đưa bác lên chỗ cao ở đồi Son để bác nhìn rõ dấu chân bác gái, chứ thôn cháu có đồi Đinh to, đẹp rất nhiều cây là nghĩa trang của hai thôn mà ai mất cũng muốn đưa về đó…
Đồi Son nhỏ, lưa thưa cây cỏ hoang dại, rặt màu vàng nâu, loang lổ những đám giàng giàng, sim mua cùng với đám đất sỏi đá trống trơ.
Tôi đứng lặng trước mộ. Có tiếng gió thì thào đâu đây vọng về. Không hiểu là âm thanh ấy từ những bụi cây quanh mình hay là từ dòng sông êm ả phía sau hoặc là cả hai thanh âm đó cùng lúc giao hòa…
Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh
Bạn cũng có thể thích