TPHCM – nơi giao thoa văn hóa kiến trúc Đông và Tây
Trong suốt nhiều năm phát triển, TPHCM luôn có sự chắt lọc văn hóa giữa cái cũ và cái mới. Trong đó, sự giao thoa văn hóa Đông và Tây đã tạo nên nét riêng, khó trộn lẫn của kiến trúc thành phố.
Những công trình mang dấu ấn giao thoa văn hóa
Có thể nói, trong nhiều năm qua, TPHCM luôn được đánh giá là một thành phố năng động và có tốc độ phát triển kinh tế nhanh bậc nhất cả nước. Hàng loạt các công trình xây dựng, những tòa nhà trọc trời “mọc lên như nấm”. Thế nhưng khi đến với TPHCM, nhiều du khách bất ngờ vì đan xen với những công trình, kiến trúc hiện đại là những tòa nhà, những di tích mang vẻ đẹp cổ kính trải qua hàng trăm năm lưu giữ dấu ấn thời gian.
Ở loại hình di tích kiến trúc – nghệ thuật, lịch sử văn hóa, tại TPHCM có các công trình kiến trúc phục vụ hoạt động văn hóa của cộng đồng như các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các công trình phục vụ đời sống người dân như: Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm…
Đối với di tích lịch sử cách mạng, nổi bật nhất là các di tích: Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Khu căn cứ Rừng Sác, Mười Tám Thôn Vườn trầu, Bến Nhà Rồng… Ngoài ra, thành phố còn có gần 1.000 ngôi chùa và nhiều ngôi chùa cổ với bề dày lịch sử hơn 100 năm như chùa Linh Sơn cổ tự, Sắc tứ Trường thọ…
Bên cạnh những công trình đậm kiến trúc Pháp ở TPHCM là những khu phố chợ, các thánh thất Bàlamôn của người Chetty (Ấn độ), thánh đường Hồi giáo, chùa Khmère… tô điểm cho bức tranh văn hóa đầy sắc màu trong lòng TPHCM năng động và cởi mở.
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá như hiện nay, thành phố tiếp tục là nơi thu hút mạnh mẽ các cộng đồng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc, bồi đắp nét đa dạng của văn hoá bốn phương cho TPHCM.
Di sản kiến trúc là tài sản vô giá thu hút du khách nước ngoài
Theo dòng chảy lịch sử, TPHCM vẫn luôn được nhìn nhận là một thành phố trẻ, năng động, phóng khoáng. Đan xen giữa những công trình kiến trúc xưa là một TPHCM với nhiều công trình, tác phẩm mang hơi thở của thời đại, có thể kể đến như tòa nhà Bitexco, Landmark 81 hay các khách sạn 5 sao, 6 sao sang trọng với đa dạng kiến trúc.
Có thể nói, các công trình kiến trúc cổ không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử của một quốc gia, một thành phố, mà còn là một nguồn lực kinh tế mạnh mẽ. TPHCM đã có hơn 320 năm lịch sử phát triển, hình thành nên giá trị di sản phong phú, trong đó có cả những di sản kiến trúc Việt, kiến trúc Pháp… Điều này tạo cho TPHCM một nét riêng biệt, mang đậm dấu ấn giao thoa văn hóa.
Tiến sĩ văn hóa Hoàng Long nhận định: “Những công trình kiến trúc ở TPHCM được xem là tài sản vô giá, nó giúp thu hút khách du lịch trong và ngoài nước trong suốt nhiều năm qua. Vậy nên, việc giữ gìn, kết nối các di sản kiến trúc cổ với các công trình kiến trúc hiện đại không chỉ đem đến giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội mà còn mang lại lợi ích rất lớn về mặt kinh tế ở TPHCM”.
Thanh Vân/TH