Thú vị nghề làm dây keo ở Miền Tây
Hiện nay, nghề sản xuất dây keo phục vụ nông nghiệp và đánh bắt thủy sản có thị trường tiêu thụ từ các tỉnh ĐBSCL đến TP.HCM. Bên cạnh đó, xóm làm nghề còn có tên gọi khác là “xóm chạy”, bởi những người thợ làm dây keo mỗi ngày phải đi hoặc chạy mười mấy cây số.
Anh Hồ Phương Bình có 15 năm trong nghề làm dây keo cho biết, công việc làm dây keo mới nhìn rất đơn giản, người thợ nhận ống dây từ các cơ sở, sau đó se thành các cuộn dây với kích thước lớn, nhỏ khác nhau theo yêu cầu của chủ cơ sở. Thông thường trải qua khoảng 5 giai đoạn từ rẻ dây lên ống, kéo dây, sau đó chuyền dây lên máy để chạy rồi quay thành cuộn, cuối cùng bó dây thành phẩm lại.
Theo các thợ lành nghề, quay dây keo tuy không khó nhưng lại khá nhọc công và đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ. Đặc biệt, nghề này không thể làm 1 mình, luôn có sự kết hợp giữa 2 người. Một người sẽ đảm nhận việc chia dây và quấn dây, người còn lại nhận nhiệm vụ căng dây và se dây. Công việc này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 người, người chia phải nhả dây từ từ, nếu quá nhanh sẽ rối, còn nhả chậm người kéo sẽ rất nặng.
Anh Nguyễn Văn Cẩn cho biết, nghề se dây keo thú vị ở chỗ một ngày người thợ phải đi cả chục cây số để đánh dây, không phải tính quãng đường đi một lượt mà tính theo tổng lượt thợ di chuyển trong ngày.
Với mỗi ký dây thành phẩm, người thợ được chủ các cơ sở trả từ từ 1.000 – 5.000 đồng/kg tùy kích cỡ.Với công việc này, người thợ có thể kiếm được khoảng 200 ngàn đồng/ngày.
Nghề làm dây keo có lúc nông nhàn cũng có lúc bận rộn, nhất là vào các tháng nước nổi trong năm do nhu cầu đánh bắt thủy sản tăng cao. Nhiều năm qua, làng nghề đã tạo sinh kế để bà con ổn định cuộc sống . /.
Chương trình Người đưa tin 24G phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.
Tấn Tài