Thành công từ những quyết định không giống ai của ông Dũng “lò vôi”

Cố nhân có câu: “Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”, hàm ý sự vật khi phát triển cùng cực thì sẽ biến hóa, thông suốt và lâu bền. Do đó, mỗi nghịch cảnh được coi là bước ngoặt khảo nghiệm ý chí của con người. Điều này có lẽ đúng khi phác họa về doanh nhân Huỳnh Uy Dũng.
Khởi nghiệp tại quê vợ
Ông Huỳnh Uy Dũng sinh ngày 26/1/1961, nguyên quán tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định. Chưa học hết lớp 12, ông nhập ngũ và tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam, phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5, rồi Quân khu 7, làm nhiệm vụ tiếp tế.
Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng
Có thể nói, máu kinh doanh trong ông đã manh nha ngay từ những tháng ngày còn trong quân ngũ. Thời điểm đó, ông Dũng được phân công chở heo tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường. Dù vậy, sau hành trình dài hàng trăm cây số, heo chở tới nơi thì chết sạch.
Mặt khác, ông Dũng lại thấy muối ở mặt trận biên giới Tây Nam – Campuchia lại hiếm. Từ đó, ở những chuyến hàng sau, ông Dũng chở muối lên bán mà không chở heo, bán muối xong, lấy tiền mua heo cho anh em chiến sĩ dùng bữa. 
Về sau, ông Dũng chuyển về công tác ở bộ phận hậu cần thuộc Công an thị xã Thủ Dầu Một (thuộc tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương và Bình phước).
Đây có thể coi là bước ngoặt lớn trong cuộc đời vị doanh nhân sinh năm 1961. Ông lấy người vợ đầu, bà Trần Thị Tuyết – con gái ông Ba Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Sông Bé bấy giờ.
Đặc biệt, ông Dũng khởi nghiệp cũng chính tại nơi đây với nghề làm lò vôi sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp… Công việc làm ăn phát đạt đã cho ông biệt danh Dũng “lò vôi”, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho con đường kinh doanh của vị đại gia này. 
Xí nghiệp lò vôi do ông Dũng đầu tư làm ăn rất phát đạt, thu được số tiền kha khá. Sau đó, ông Dũng bán lò vôi để làm giám đốc công ty sơn mài Thanh Lễ (sau này là Công ty thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ).
Trước khi tiếp nhận công ty, ông Dũng đưa ra điều kiện, nếu làm ăn thua lỗ ông sẽ bỏ tiền túi ra bồi thường, còn ngược lại, công ty phải trích cho ông 10% tiền lời thu được. Ngoài ra, mọi việc kinh doanh, bố trí nhân sự đều phải do ông tự sắp xếp.
Ngay trong năm đầu tiên đảm nhận cương vị giám đốc, ông Dũng đã đưa công ty cán mốc lợi nhuận 28,8 tỷ đồng, vượt xa mong đợi của mọi người.
Thành công từ những quyết định “hâm hâm”
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong cuộc đời ông Dũng là quyết định tiên phong rót vốn vào khu công nghiệp. Cụ thể, Thalexim (dưới sự quản lý của ông Dũng) vào năm 1992 trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước được phép thí điểm thành lập khu công nghiệp Bình Đường với diện tích 16,5 ha (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Năm 1995, Thalexim tiếp tục triển khai khu công nghiệp Sóng Thần 1 với diện tích 178 ha. Thời điểm đó, nhiều người đánh giá quyết định đầu tư của ông là … “khùng”.
Dẫu vậy, thực tế minh chứng, thành công của Thalexim khiến Bình Dương (tỉnh tách ra từ Sông Bé) sau này trở thành địa phương đi đầu trong cả nước phát triển khu công nghiệp và cũng trở thành cú chạy đà cho ông Dũng “lò vôi” khởi nghiệp kinh doanh riêng.
Năm 1996, ông nghỉ việc nhà nước, lập CTCP Sóng Thần (tiền thân CTCP Đại nam sau này), chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 2, với diện tích 279 ha. Năm 2005 ông mở tiếp khu công nghiệp Sóng Thần 3 với diện tích 533 ha.
Năm 1999, khi khởi công xây dựng khu du lịch kết hợp tâm linh Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, ông đổi tên công ty thành CTCP Đại Nam, ông Dũng làm Chủ tịch HĐQT. Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến được xây dựng với mục tiêu trở thành khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á, quy mô diện tích 700 ha.
Dự án này cũng khiến ông chủ Đại Nam mang tiếng “hâm hâm” khi rót 5.000 tỷ đồng và huy động 2.000 nhân công xây dựng. Bởi lẽ, từ những năm cuối thế kỷ 20, nơi đây vẫn chỉ là một vùng đất hoang sơ, có chỗ là rừng cao su bạt ngàn.
Khi ấy, ông Huỳnh Uy Dũng nắm quyền thuê gần 500 ha đất đã biến địa điểm này trở thành quần thể du lịch tâm linh gồm nhiều đền thờ, với các pho tượng, phù điêu, linh vật thờ cúng được chạm trổ tinh vi, dát vàng. Đi kèm đó là một loạt các công trình như: Khu trò chơi hiện đại, Vườn thú Đại Nam, Dãy núi Bảo Sơn,…
Sau này, dưới sự điều hành của vợ kế ông Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng, Đại Nam có thêm những mô hình mới như biển nhân tạo, trường đua phức hợp “5 trong 1”, nơi có thể tổ chức được cả đua ngựa, đua chó, đua mô tô phân khối lớn lẫn đua xe F1.
Trong lễ khánh thành khu du lịch vào tháng 9/2008, ông chủ Đại Nam cũng lập “lời thề không nợ nần ai”, với tuyên bố kể từ thời điểm này, công ty không còn nợ nần ai, và không còn mượn ai một đồng nào.
Đáng nói, vào thời điểm xây đền tại Đại Nam, nhiều chim yến bay đến làm tổ, sinh sôi nảy nở, góp phần mang lại nguồn kinh phí không nhỏ cho vị đại gia này. 
Bên cạnh sự nghiệp kinh doanh đồ sộ, ông Huỳnh Uy Dũng cũng từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) Khóa II Nhiệm kỳ 1994 – 1996, nguyên đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, thuộc đoàn đại biểu Bình Dương. 
Chuyển hướng đi viết sách
“Tôi thấy tiền bạc chỉ là phương tiện duy trì sự sống, không phải cái tôi đi tìm. Cái tôi đi tìm sâu xa hơn, màu nhiệm hơn, trên nền tảng thánh thiện mới tìm được nó. Tôi đã quyết định dừng lại, và suốt 10 năm trời xây dựng Đại Nam, quyết tâm để lại cho đời một khu du lịch tâm linh”, ông Dũng chia sẻ với báo giới.
Tháng 5/2020, ông Dũng gây bất ngờ khi tuyên bố sẽ ngừng kinh doanh và chuyển vai trò điều hành cho vợ ông là bà Nguyễn Phương Hằng. Trao đổi với báo giới, ông cho biết sẽ tập trung vào công việc thiện nguyện bằng cách bán những tài sản đã tạo dựng trong hơn 40 năm qua để giúp đời giúp người.
Trước đó, ông cũng từng gây chú ý với việc ủy quyền, trao, tặng, cho toàn bộ khối tài sản khổng lồ cho con trai 1 tuổi Huỳnh Hằng Hữu khi đến tuổi trưởng thành. Còn vợ chồng ông chỉ đứng sau lưng làm quân sư. Mọi việc đều có Hội đồng giám sát, trong đó có cả luật sư. Ông cho rằng, khi nào con trai ông đến tuổi trưởng thành thì mọi việc đều do con quyết định.
Ngoài ra, ông cũng cho biết sẽ tham gia hoạt động công tác xã hội, từ thiện, đặc biệt là viết sách, chủ yếu là Kinh, Phật và sách lịch sử nói về các anh hùng, vị tướng, lãnh đạo của Việt Nam như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Dẫu vậy, theo dữ liệu của Nhadautu.vn, ông hiện vẫn đang đứng tên tại nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Tân Khai, Công ty TNHH Du lịch Đại Nam Thần Tiên, CTCP Đại Nam, Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại Nam hay Công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định.

Bạn cũng có thể thích