Tai nạn hay gặp nhất ở trẻ và cách phòng ngừa vô cùng đơn giản

Theo báo cáo của Chương trình phòng chống tai nạn thương tích thì ngã là tai nạn đứng hàng đầu đối với trẻ dưới 15 tuổi. Có trường hợp trẻ chỉ bị xây xát nhẹ ngoài da và không gây hậu quả gì nghiêm trọng.
Nhưng ngã có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ bị nạn từ trật khớp, gãy xương, chấn thương ngực, chấn thương bụng đến chấn thương sọ não hoặc chấn thương nhiều cơ quan, có thể dẫn đến tử vong…Trong đó, thương tổn gãy xương trật khớp chiếm từ 5-10% thương tổn ở trẻ.
Vụ bé gái 3 tuổi bị rơi từ ban công tầng 12 chung cư Hà Nội may mắn thoát chết gần đây là trường hợp hy hữu. Còn có rất nhiều vụ tai nạn do ngã của trẻ rất thương tâm khác vẫn xảy ra.
Tai nạn hay gặp nhất ở trẻ và cách phòng ngừa vô cùng đơn giản
Chị Nguyễn Nga Hương Chi (Tây Hồ, Hà Nội) đến giờ vẫn không khỏi day dứt khi nhìn cô con gái 6 tuổi với vết sẹo sâu ngay ở khoé mắt. Chị kể, tai nạn xảy ra khi con 3 tuổi. Chị mải làm việc nên để con tự chơi một mình.
Con bé hiếu động, kê ghế, trèo lên bệ bếp lấy đồ ăn nhưng do ghế không đủ cao nên bé chưa thể trèo được. Nó cố với. Chiếc ghế lật nghiêng con ngã đập vào góc nhọn của bệ bếp. Con bé khóc thét, máu chảy quá nhiều, chị Chi vội vàng đưa con đi viện. Tại đây, con chị phải khâu 7 mũi.
“Vết thương ngay sát mắt, đến giờ vẫn để lại vệt sẹo dài. May mà không ảnh hưởng đến thị lực của con, không chắc tôi không sống nổi. Còn vết sẹo này chắc lớn thêm ít nữa cho con đi thẩm mỹ”, chị Chi bày tỏ.
Tình cảnh của chị Chi không phải cá biệt với những gia đình có con nhỏ. Ths. Nguyễn Hải Châu – Khoa ngoại CTCH-B, BV đa khoa tỉnh Bắc Ninh cho biết, gần đây khoa tiếp nhận nhiều trường hợp chấn thương trẻ em chủ yếu do tai nạn sinh hoạt, một số ít do tai nạn giao thông. Trẻ đến viện có nhiều hình thái chấn thương, từ thương tổn nhẹ đến thương tổn lớn hơn như gãy xương trật khớp.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Ths. BS Nguyễn Hải Châu thường do sự bất cẩn của người lớn – không trông coi trẻ đúng cách khiến trẻ ngã từ xe đẩy, trên võng, trên giường hoặc trên cao xuống, do tuột khỏi tay người lớn.
Đặc tính của trẻ là tò mò, hiếu động nghịch ngợm, chưa nhận thức được hết những nguy cơ xảy ra tai nạn của trẻ do đó, trẻ bị ngã còn do trèo hoặc đứng trên ghế hoặc đồ vật kê không vững.
Cũng có trẻ bị trượt, té ngã khi đi hoặc chạy đùa ở những nơi ẩm ướt, trơn như nhà tắm, sàn nước, sàn nhà mới lau hoặc bị đổ nước, sân chơi.
Đặc biệt là tình trạng trẻ chạy nhảy, nô đùa, xô đẩy nhau ngã, thường gặp ở nhà, ở trường học, trên đường đi học, đi chơi cũng khiến trẻ bị ngã.
Ở những vùng nông thôn trẻ bị ngã có thể do trèo cây, trèo tường, trèo cột điện còn ở thành phố có thể do ngã cầu thang, ban công.
Do đó, để phòng ngừa ngã ở trẻ em cũng như những hậu quả nghiêm trọng do ngã gây ra, Ths Nguyễn Hải Châu cho rằng, người lớn và những người chăm sóc trẻ nên thực hiện những điều sau đây:
Đối với trẻ nhỏ, phải luôn có người lớn chăm sóc bên cạnh khi ăn, ngủ, chơi. Sử dụng “cũi”, đặc biệt có tác dụng với trẻ nhỏ trong trường hợp không thể trông trẻ được.
Có rào hoặc thanh bảo vệ ở những nơi như cầu thang, cửa sổ, ban công với độ cao tối thiểu 75cm, chấn song dọc, khoảng cách giữa các song không vượt quá 15 cm. Đảm bảo bậc thềm, cầu thang đủ ánh sáng, dễ đi.
Dạy trẻ không xô đẩy nhau, không leo trèo, ví dụ như leo lên cây cao hái trái, leo cột điện để lấy diều, leo mái nhà, giáo dục cho trẻ biết các nguy cơ và hậu quả có thể xảy ra khi ngã, kỹ năng phòng tránh khi đi vào những nơi dễ ngã như cầu thang, nhà tắm, nơi trơn trượt, giáo dục trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao, thả diều trên sân thượng, lòng đường.
Đặc biệt, người lớn cần hướng dẫn kiến thức về xử trí sơ cứu và phòng ngừa các tai nạn thường gặp cho người chăm sóc trẻ.
Ngoài ra, không cho trẻ biết lật, bò, đi ngồi hoặc nằm trên võng, giường lúc không có người lớn bên cạnh. Không cho trẻ đứng trên ghế, vật dụng không vững. Không để sàn nhà ẩm ướt, trơn trượt khiến trẻ dễ bị ngã. Người lớn cũng không để đồ vật của trẻ ngoài tầm với.
Đặc biệt, có những trường hợp do bố mẹ cưng nựng con hay tung trẻ, xốc ngược trẻ…nhưng vô tình tuột tay không đỡ trúng…vô tình làm con ngã. Đây là điều rất nguy hiểm mà hoàn toàn có thể ngăn ngừa.
Hay ở những gia đình trẻ không có người hỗ trợ trong bé, rất hay xảy ra tình trạng để anh lớn 6-7 tuổi trông em bé. Điều này cũng không nên. Bởi theo Ths Hải Châu “không để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ dưới 3 tuổi”.
Mặc dù ngã là tai nạn sinh hoạt thường gặp nhất ở trẻ, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe và tính mạng của trẻ bị nạn. Các biện pháp phòng ngừa được rất đơn giản, dễ thực hiện nhưng để hạn chế được những tai nạn đáng tiếc xảy ra, mỗi gia đình có con nhỏ phải luôn cảnh giác, cẩn trọng để bảo vệ các bé.
Bạn cũng có thể thích