Từ bao đời nay, Tết Lùng Cùng đã trở thành nét văn hóa đặc sắc tồn tại trong tâm thức mỗi người dân ba làng Thượng, Tâm, Tiền (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Các thế hệ con cháu dù ở nơi đâu nhưng đến ngày này đều hướng về quê nhà và nhớ tới hương vị đặc trưng của món bánh khúc – đặc sản làm nên nét riêng khác biệt của ngày Tết Lùng Cùng như để hoài niệm và tri ân với tổ tiên, đồng thời là lời tự nhắc không quên cội nguồn.
Lưu giữ nét đẹp truyền thống
Mỗi năm, sau Tết Nguyên đán, người dân ba làng Thượng, Tâm, Tiền (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) lại háo hức chuẩn bị cho Tết Lùng Cùng diễn ra vào ngày mùng 1 tháng Hai Âm lịch. Với Tết này, giống như bánh chưng, bánh giầy trong Tết Nguyên đán, bánh khúc là thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên.

Cũng theo bà Lê Thị Thủy, nhân bánh thường là đỗ xanh giã mịn, hạt tiêu và thịt lợn thái miếng nhỏ đã được trộn gia vị xào thơm với hành. Thịt phải là thịt nạc cùng mỡ gáy để bánh ăn vừa đủ ngậy mà không bị ngán. Bánh mới nặn xong, lớp vỏ còn dẻo dính sẽ được lăn qua một lớp mỡ hoặc một lớp gạo nếp đã được ngâm kỹ. Sau đó gói bằng lá chuối rồi đem luộc hoặc hấp. Khi bánh chín, mùi lá chuối quyện vào với hương nếp thơm, mùi nồng ngát của rau khúc khiến bánh khúc trở lên hấp dẫn lạ thường.
Thưởng thức bánh khi còn nóng hổi là thơm, ngon nhất. Lúc này lớp vỏ bánh bóng mọng bốc hơi nghi ngút, mọi người vừa thổi vừa ăn để cảm nhận hương thơm, bùi của lá khúc cùng vị ngậy béo của nhân đỗ thịt.
Sự tích Tết Lùng Cùng
Về ba làng Thượng, Tâm, Tiền vào những ngày giáp Tết Lùng Cùng, lúc này việc đồng áng vẫn an nhàn, nhà nào nhà đấy đều làm bánh khúc. Khi mọi thứ chuẩn bị tươm tất, không khí chẳng khác nào không khí bên nồi bánh chưng xanh ngày Tết Nguyên đán. Đây được coi là ngày gia đình sum họp, quây quần bên đĩa bánh nghi ngút khói dâng lễ tổ tiên.

Thời gian trôi qua, cho đến nay, Tết Lùng Cùng đã trở thành tết truyền thống của nhân dân ba làng Thượng, Tâm, Tiền như để tri ân công đức tổ tiên và là ngày gia đình sum họp. Cách làm bánh khúc đơn giản nhưng cái khó là tạo được hương vị riêng của quê hương. Những người lớn tuổi ở đây luôn nhắc nhở con cháu khi làm bánh khúc trong Tết Lùng Cùng phải làm làm sao cho tất cả các sản phẩm của quê hương phải có trong vị bánh khúc.
Hiện tại, ở nhiều nơi, bánh khúc được bày bán quanh năm nhưng không nơi đâu có được hương vị đặc biệt như bánh khúc nơi đây. Những người con dù ở xa quê nhưng đã từng đón một cái Tết Lùng Cùng và thưởng thức bánh khúc trong cuộc đời, đến ngày này đều nhớ đến loài cây dại trên đồng đất quê nhà, nhớ vị bánh thơm ngon như để hoài niệm và tri ân với tổ tiên, đồng thời là lời tự nhắc mình không quên cội nguồn./.
Phạm Thảo
Bình luận về bài viết này