‘Người đẹp Tây Đô’ – phim để đời của Lê Cung Bắc

Đạo diễn Lê Cung Bắc quay bảy tập phim “Người đẹp Tây Đô” trong nửa năm, yêu cầu nữ chính Việt Trinh tự thực hiện những cảnh chịu đòn roi.
Lê Cung Bắc qua đời vì ung thư phổi, sáng 13/6, gây tiếc nuối cho khán giả và đồng nghiệp. Sinh thời, ông thực hiện nhiều phim truyền hình có giá trị, đi vào lòng công chúng như Dòng đời, Cõi tình, Xóm cũ, Ngược sóng… Trong gia tài của đạo diễn, Người đẹp Tây Đô là tác phẩm đình đám nhất, được coi là hiện tượng phim truyền hình thập niên 1990, giúp ông trở thành bậc thầy của màn ảnh Việt và nâng tên tuổi nhiều gương mặt như Việt Trinh, Hồng Ánh…
Nhiều năm lăn lộn đóng phim, có hàng chục vai phụ đắt giá, Lê Cung Bắc thể hiện con mắt tinh tường ở vai trò đạo diễn từ khâu chọn diễn viên. Trong chương trình Vang bóng một thời phát sóng năm 2019, ông nói thường chú ý đến cách diễn, tiềm năng của đồng nghiệp khi làm việc chung, từ đó liên hệ với nhân vật trong các tác phẩm để tìm điểm tương đồng.
Việt Trinh tái hiện hình ảnh Bạch Cúc phim Người đẹp Tây Đô năm 2015. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Việt Trinh tái hiện hình ảnh Bạch Cúc phim “Người đẹp Tây Đô” năm 2015. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trước khi tham gia Người đẹp Tây Đô, Hoàng Sơn thường vào vai chính diện vì ngoại hình đẹp, thư sinh. Nhưng cố đạo diễn nhìn thấy tiềm năng diễn xuất đa dạng ở anh khi cùng tham gia phim Nơi bình yên chim hót (1986), nên giao vai Ba Dĩnh – tay công tử ăn chơi vô độ, tàn ác nhưng mang nét ngây ngô. Hoàng Sơn hóa thân nhân vật thành công đến nỗi nhiều năm sau, khi ra đường, khán giả vẫn mắng anh.
Với vai nữ chính Bạch Cúc, Lê Cung Bắc gọi điện mời Việt Trinh sau khi casting suốt hai tháng với hàng trăm hoa hậu, người mẫu, diễn viên nhưng không thành. Cô được ông chọn vì có nét đẹp hao hao chiến sĩ tình báo Lâm Thị Phấn – nguyên mẫu nhân vật ngoài đời. Hồi ấy, Việt Trinh là ngôi sao đang lên với các phim “mỳ ăn liền” như Lệnh truy nã, Nước mắt học trò, Công tử Bạc Liêu. Cô bị đồn mắc bệnh ngôi sao, hay đi trễ về sớm, ảnh hưởng lịch quay chung. Lãnh đạo hãng sản xuất TFS sợ người đẹp làm ảnh hưởng đến lịch quay, buộc cô phải viết cam kết tuân thủ giờ giấc. Việt Trinh khi đó được đạo diễn Lê Cung Bắc bảo lãnh.
Vai Bạch Vân – được giao cho Hồng Ánh, khi ấy mới 18 tuổi. Hồng Ánh cũng không dự casting, quen biết đạo diễn qua một cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh, được ông hướng dẫn tập tiểu phẩm. Ông ấn tượng Hồng Ánh có ngoại hình trong sáng, lối diễn tự nhiên. Sau này, ông nói “đã lựa chọn Việt Trinh và Hồng Ánh bằng cả trái tim”.
Trong ký ức của dàn diễn viên phim Người đẹp Tây Đô, đạo diễn Lê Cung Bắc là người nghiêm khắc, luôn muốn mọi cảnh quay đạt đến độ hoàn hảo. Làm phim thời phương tiện kỹ thuật còn thô sơ, ông và êkíp mất nửa năm mới quay xong bảy tập. Ông từng nói: “Chịu trách nhiệm sản xuất phim nhiều tập đầu tiên của hãng, tôi gánh trách nhiệm quá lớn, luôn cố gắng hết sức. Phim được đón nhận nhưng tôi vẫn chưa hài lòng. Tôi nghĩ nếu tôi có tài hơn thì tác phẩm đã hay hơn”.
Hoàng Sơn nhớ đạo diễn Lê Cung Bắc khó tính, hạn chế dùng cascadeur. Anh phải học điều khiển một chiếc xe đời cũ thô sơ, tự xoay xở cảnh lái xe trên đường ruộng. Việt Trinh cũng mang kỷ niệm nhớ đời với cảnh đòn roi. Trong cảnh nhân vật Bạch Cúc bị ông hội đồng (nghệ sĩ Thành Trí đóng) đánh, đạo diễn không cho dùng roi giả. Chị kể: “Khi ấy, tôi cuốn vải quanh bụng, bị anh yêu cầu tháo ra vì làm dáng to, xấu. Cuối cùng, tôi thay bằng một bìa các tông, được anh chấp nhận. Nghệ sĩ Thành Trí nhập tâm quá, vụt mạnh lên mông, vai tôi để lại lằn rất sâu. Thấy tôi khóc vì đau, mọi người hỏi han, còn anh Bắc nói: ‘Ôi nó khóc đẹp quá kìa, quay tiếp'”. Khi hoàn thành cảnh quay, ông ra ôm lấy Việt Trinh, nói: “Anh thương em lắm, vì tác phẩm, em ráng chịu”. Cảnh phim được khán giả yêu thích, xuýt xoa khen “diễn mà y như đánh thật”.
Việt Trinh nhớ để chị nhập vai, ông cùng chị đến gặp nguyên mẫu – bà Lâm Thị Phấn – để trao đổi nhiều lần. Trên trường quay, đạo diễn luôn yêu cầu chị và các diễn viên khác học thoại nhuần nhuyễn.
Đạo diễn Lê Cung Bắc treo poster phim Người đẹp Tây Đô ở một góc trong nhà. Ảnh: Quỳnh Trần.

Đạo diễn Lê Cung Bắc treo poster phim “Người đẹp Tây Đô” ở một góc trong nhà. Ảnh: Quỳnh Trần.

Hồng Ánh nhớ mỗi khi la mắng ai trên phim trường, đạo diễn Lê Cung Bắc dùng tiếng Pháp vì sợ lúc nóng giận, ông nói lời không hay, làm tổn thương mọi người. Thấy Hồng Ánh khi ấy nhỏ tuổi, đạo diễn hay trêu cô. Khi máy ngừng quay, ông không hô cắt, để cô khóc mãi, bị mọi người cười. Ông từng khuyên bảo cô nhiều về thái độ làm nghề: “Nếu ra đường, khán giả không gọi con là Hồng Ánh mà gọi Bạch Vân, con hãy tự hào. Còn với chú, đó là hạnh phúc vì đã tìm kiếm, giới thiệu thành công một gương mặt mới”. Lần khác, ông nói: “Người nghệ sĩ phải giữ sự hồn nhiên cho nhân vật. Nếu theo nghề lâu dài, con hãy luôn làm mới mình, với nhiều thể loại vai”. Những lời khuyên luôn được Hồng Ánh giữ bên mình, xem như quan điểm làm nghề.
Nhờ nỗ lực của đạo diễn Lê Cung Bắc và dàn diễn viên, Người đẹp Tây Đô chinh phục khán giả ngay từ những tập đầu tiên. Việt Trinh lập tức trở thành cái tên đại chúng. Chị nói: “‘Có hôm, tôi đạp xe chạy lòng vòng mấy ngã tư chỉ để tận hưởng cảm giác người ta í ới gọi mình là ‘người đẹp Tây Đô’ hay ‘mợ Hai'”.
Với đạo diễn Lê Cung Bắc, Người đẹp Tây Đô là dấu son sự nghiệp. Trong căn nhà ở TP HCM, ông treo trang trọng poster phim. Những năm cuối đời, ông hay kể kỷ niệm thời quay phim với Việt Trinh, Hồng Ánh. Nghệ sĩ Hồng Vân từng nói: “Tác phẩm thể hiện sự tinh tế, nhạy cảm, cái tâm và cái tầm của một đạo diễn giỏi”.
Lan Anh
Bạn cũng có thể thích