Ngày ông Táo trùng ngày Lập Xuân, cúng và tỉa chân nhang thế nào cho đúng?

Ngày 23 tháng Chạp năm nay trùng ngày 4/2 (dương lịch) – ngày Lập Xuân nên không thể rút tỉa chân nhang vì sẽ gây bất ổn cho vận khí đầu năm mới.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, năm 2021 có một điều hiếm gặp là ngày 23 tháng Chạp (ngày ông Công ông Táo) trùng với ngày Lập Xuân 4/2/2021.
Theo văn hóa Á Đông, vào ngày Lập Xuân – ngày đầu tiên của tiết Lập Xuân, mở đầu 24 tiết khí trong năm là ngày rất quan trọng.
Vào ngày này, vạn vật tại nội gia phải an yên, con người tâm thái bình tĩnh, tích cực đón chào vận khí mới.
Theo tập tục, sau khi cúng ông Công ông Táo, các gia đình sẽ tiến hành rút tỉa chân nhang, bao sái đồ thờ, tổng vệ sinh phòng thờ hay nơi thờ cúng và nhà cửa để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên vào những năm đặc biệt thì thủ tục sẽ khác hơn.
Dù chúng ta cúng ông Công ông Táo ngày nào, trước 23/12 âm lịch hay đúng ngày 23/12 âm lịch thì vẫn phải tiến hành lau dọn bàn thờ, tổng vệ sinh nhà cửa trước khi bắt đầu bước vào tiết Lập Xuân, tiết khí đầu năm mới.
Năm 2021 Lập Xuân bắt đầu từ 21h59 phút ngày 3/2/2021 dương lịch tức đêm 22/12/2020 âm lịch. Chính vì vậy chúng ta phải tiến hành bao sái đồ thờ, dọn dẹp nhà cửa như dựng giường lau dọn phòng ngủ, chuyển két sắt lau dọn khu tài vị, tháo bếp lau dọn bếp nấu, di chuyển bàn ghế lau dọn phòng khách… trước 21h ngày 3/2/2021.
Nếu gia đình nào cúng ông Công ông Táo sớm vào các ngày 19, 20, 21, 22 tháng Chạp (ngày 22/12 âm lịch phải cúng sáng hoặc cúng chiều không cúng tối) thì nên rút tỉa chân nhang, bao sái, dọn dẹp tổng vệ sinh ngay sau khi cúng.
Nếu gia đình cúng ông Công ông Táo đúng ngày 23 tháng Chạp thì cúng xong để an yên, sang sáng ngày 24 hay 25 mới được rút tỉa chân nhang. Vì ngày 23 tháng Chạp trùng ngày 4/2 dương lịch – ngày Lập Xuân, không thể rút tỉa chân nhang được, sẽ gây bất ổn cho vận khí đầu năm mới.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà còn lưu ý, khi làm nghi thức rút tỉa chân nhang không được làm xê dịch bát hương, không xê dịch bàn thờ.
Nếu gia đình có bàn thờ bị mối mọt, cong vênh, nứt vỡ hay bát hương nứt, bát hương đồng gỉ cần phải đánh bóng hay đơn giản là muốn thay bát hương, chuyển bàn thờ sang vị trí tốt hơn… thì sau khi chuyển phải làm lễ an vị bát hương, an vị ban thờ ngay.
Trong các di chỉ cổ về tập tục văn hóa đã ghi rất kĩ việc bát hương an yên trong một ngôi nhà là điều quan trọng.
Khi rút tỉa chân nhang, gia chủ phải một tay giữ bát hương, một tay nhẹ nhàng rút dần chân nhang. Lau dọn bàn thờ phải lau mặt nhật nguyệt của bát hương đầu tiên, lau bát hương trước rồi mới lau đến các đồ thờ khác.
Nếu nam nhân làm chủ khí trong nhà, để lại 17, 27, 37 chân nhang. Nếu nữ nhân làm chủ khí trong nhà (trường hợp mẹ góa con côi hay bà mẹ đơn thân) để lại 19, 29, 39 chân nhang.
Khi lau dọn tổng vệ sinh bàn thờ, tối kị mở toang các cửa phòng thờ khiến ánh nắng chiếu rọi vào bàn thờ gây tổn hại linh khí…
Phòng thờ quanh năm nên được buông rèm tối, phía trong bật 2 cây đèn đỏ hoặc đèn vàng. Đề phòng hỏa hoạn, nếu dùng bàn thờ gỗ nên đặt kính trên bàn thờ tránh tàn rụng gây cháy, tuy nhiên phải dán đề can mờ để không phản chiếu hình ảnh đồ thờ đổ xuống kính…
Theo Vietnamnet.vn
Bạn cũng có thể thích