Nên cúng ông Công ông Táo trước hay tỉa chân nhang trước?

Chuẩn bị cho ngày 23 tháng Chạp và Tết Nguyên đán, nhiều gia đình vẫn băn khoăn không biết nên cúng ông Công ông Táo trước hay tỉa chân nhang trước.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa, để đón Tết Nguyên đán, gia chủ sẽ sửa soạn ban thờ và cùng với đó là lễ cúng ông Công ông Táo. Người đảm nhiệm công việc này là người chỉn chu, có tâm trong công việc thờ cúng, bởi ban thờ tổ tiên là nơi linh thiêng. Việc lau dọn ban thờ cần làm tỉ mỉ, sạch sẽ và thành kính.

Trong đó, tỉa chân nhang là công việc rất quan trọng, theo truyền thống của người Việt. Trước đó, gia chủ thường sắm đĩa hoa quả tươi đặt lên thắp hương, xin phép quan thần linh và gia tiên việc dọn lại ban thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh. Sau đó và công đoạn lau chùi ban thờ bằng nước sạch, lau lại bằng rượu gừng, nước thơm. Việc lau dọn ban thờ nên làm trước ngày cúng Táo quân chầu trời.

Nên cúng ông Công ông Táo trước hay tỉa chân nhang trước? - 1

Các gia đình thường tỉa chân hương vào dịp cuối năm.

Cũng theo các chuyên gia, việc tỉa chân hương thường được làm sau lễ tiễn Táo quân chầu trời, bởi các cụ xưa qua niệm rằng lúc đó các Táo đi vắng, có thể tranh thủ làm việc này. Sau khi thắp hương xin phép, gia chủ tỉa từng chân hương một cho đến khi còn lại ít chân hương đẹp nhất, thường để lại số lẻ: 3, 5, 7, 9.

Số chân hương đã tỉa sẽ được đốt trong lò hóa vàng, tro đem đổ xuống sông, hoặc vùi vào gốc cây (nên chọn cây to khỏe hãy vùi, bởi các cây non rất dễ bị chết. 

Sau khi xong việc, cần thắp hương cẩn báo mời quan thần linh và gia tiên trở về.

Thực tế, các gia đình có thể làm công việc lau dọn ban thờ, tỉa chân hương vào những ngày thuận tiện, rảnh rỗi mà mình thu xếp được cuối năm, chẳng hạn như từ đầu tháng Chạp. 

Ông Công ông Táo là ai?

Thần Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được Việt hóa thành sự tích “2 ông 1 bà” – vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc, và người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.

Nên cúng ông Công ông Táo trước hay tỉa chân nhang trước? - 2

Theo tích của người Việt, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau nhưng họ mãi không có con, vì vậy dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện xô xát, dằn vặt vợ.

Một hôm, chỉ vì chuyện nhỏ, Cao lại gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến xứ khác và gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao sau khi nguôi giận thì quá ân hận nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Day dứt và nhớ quay quắt, Cao lên đường tìm kiếm vợ.

Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường, cuối cùng tình cờ mò vào xin ăn đúng nhà của Thị Nhi nhằm lúc Phạm Lang đi vắng. Nhận ra người hành khất là chồng cũ, Nhi mời vào nhà nấu cơm cho ăn. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.

 Chẳng may đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.

Thượng đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo quân, giao cho người chồng mới làm Thổ công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ làm Thổ địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ làm Thổ kỳ trông coi việc chợ búa.

Hoài An( sưu tầm)

Bạn cũng có thể thích