Một số món ăn hỗ trợ điều trị viêm xoang hiệu quả
1. Gừng tươi chữa viêm xoang
Theo y học, gừng có tác dụng giảm đau, kháng viêm, khử trùng khử độc, phòng chữa cảm mạo, trị say nắng, làm mát, giảm mệt mỏi. Chính vì vậy, nước uống từ gừng khi thời tiết giao mùa có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt phòng chống và điều trị viêm xoang
Hoặc ta cũng có thể hãm trà khô cùng với gừng tươi và uống đều đặn 2 đến 4 tách trà gừng trong ngày sẽ có tác dụng giúp xoang thông suốt, long đờm, hạn chế chất nhờn gây tắc nghẽn đường khí thở.
Bạn cũng có thể nấu Canh gừng bằng cách: Gừng sấy khô 10g, cam thảo nước 20g. Lấy hai vị thuốc trên sắc nước uống, mỗi ngày một thang, buổi sáng, buổi tối mỗi buổi một nửa sẽ có tác dụng giúp làm ấm cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch, phòng chống vi khuẩn gây cảm cúm, viêm xoang;
2. Canh táo đỏ chữa viêm xoang
Táo đỏ có tính giữ nhiệt, vị cam, giàu chất dinh dưỡng, bởi chứa các thành phần như: prôtêin, lipit, đường, canxi, phốtpho, sắt, và nhiều loại vitamin A,C, B1, B2, carotene…
Vào mùa thu và mùa xuân, thời tiết lúc ấm lúc lạnh, ta có thể dùng canh lá dâu thêm 10 quả táo đỏ uống thay trà để tránh cảm cúm, thương hàn. Vào mùa đông, thời tiết lạnh căm, có thể dùng canh táo đỏ (10 quả) và gừng để giữ ấm và bổ dưỡng phế âm, thông mũi, phòng và chữa viêm xoang. Hoặc bạn có thể dùng 10 quả táo đỏ đun nước uống thành 3 lần trong ngày.
3. Trà hoa cúc
Hoa cúc có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giúp kháng khuẩn, kháng siêu vi gây cảm cúm.
Trà hoa cúc: Công thức dành cho 2 người là 50g hoa cúc khô; 1,5 lít nước; một vài nhánh cam thảo. Đun sôi nước sau đó thả hoa cúc và rễ cam thảo vào nồi đun trong khoảng 3 – 5 phút, không nên đun quá lâu sau đó chắt nước uống như trà. Cho một chút đường vào trà hoa cúc theo độ ngọt nhạt của sở thích. Dùng trà hoa cúc lúc đang còn nóng ấm sẽ tốt cho phòng và điều trị bệnh viêm xoang.
4. Thịt cừu
Người Mông Cổ quan niệm, thịt cừu có thớ thịt rất mịn, ăn vào ấm dạ dày mang lại cảm giác ấm toàn thân. Thịt cừu cung cấp chất sắt trong thịt ở dạng heme, dạng cơ thể dễ hấp thu nhất, giúp cải thiện việc đưa oxy tới các cơ, bổ sung năng lượng rất có lợi cho cơ thể. Bên cạnh đó, lượng kẽm cao trong thịt có tác dụng tốt bổ trợ cho phổi, chống tình trạng cảm cúm, viêm xoang, viêm phế quản, bệnh nhiễm trùng.
Bạn có thể sử dụng thịt cừu, ướp muối tinh và nước cốt tỏi rồi nướng nhưng không nên nướng quá vàng. Sau khi nướng xong thì thái lát mỏng.
5. Lá hẹ
Cây hẹ có tên gọi là cửu thái hay khởi dương thảo và tên khoa học là Allium tuberosum Rottl.ex Spreng. Cây hẹ là cây thân thảo, giàu dược tính và có mùi thơm rất đặc trưng, chữa được nhiều bệnh. Dịch chiết của lá hẹ có tác dụng kháng khuẩn mạnh với nhiều loại vi khuẩn. Theo Đông y, lá hẹ để tươi có tính nhiệt, nhưng khi nấu chín ăn lại có tính ôn (ấm), vị cay, đi vào các kinh can, tỳ và vị; tác dụng ôn trung, hành khí, tán độc, tiêu viêm, phòng chống cảm cúm, viêm xoang và chữa ho.
Trứng vịt hấp lá hẹ: Món ăn này có tác dụng rất tốt cho hệ hô hấp như viêm xoang, viêm họng.
Trứng vịt 3 quả, lá hẹ 10g, đường phèn 20g. Lá hẹ rửa sạch thái nhỏ cho vào bát to cùng với đường phèn, đập trứng vào quấy đều, đem hấp cách thủy cho chín. Ăn ngày 1 lần lúc đói vào buổi sáng. Cần ăn 3 – 5 ngày.
6. Kim ngân hoa
Kim ngân hoa có rất nhiều tác dụng, trong đó phải nói đến tác dụng quan trọng là kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh kim ngân hoa có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh thường xuất hiện ở bệnh viêm xoang, trực khuẩn thương hàn, vi rút cúm… có tác dụng chống viêm, làm giảm chất xuất tiết, giải nhiệt. Hoa thơm khi mới nở có màu trắng, về sau chuyển thành vàng. Hoa, lá, cành đều được dùng làm thuốc nhưng người ta thường tách hoa để làm thuốc riêng vì hoa có công hiệu hơn lá, cành.
Minh Anh