Mai khoe sắc, đào diễm lệ, những đóa hoa là dược quý ngày xuân

Nếu miền Bắc có hoa đào e ấp, diễm lệ thì miền Nam có hoa Mai vàng rực rỡ trong nắng xuân, ngoài việc tăng thêm bầu không khí tươi tắn của mùa xuân hoa đào, hoa mai còn là những vị thuốc quý.

Hoa đào bạn đồng hành với phái đẹp

Xét về góc độ dược học, đào cũng được xem là một loại “linh dược”, giúp đả thông đường huyết, chuyên chữa kinh nguyệt không đều và những trở ngại vào kì mãn kinh của phái đẹp và làm thuốc trật đả cho phái mạnh.

Theo Thần nông bản thảo kinh, hoa đào và hoa mai đều được liệt kê vào kho tàng thảo dược. Hạt đào (đào nhân) được dùng làm thuốc điều trị bệnh phụ nữ, giúp cải thiện tuần hoàn máu huyết hiệu quả tốt. Trong Đông dược có bài Đào nhân thừa khí thang với vị thuốc hạt đào dùng đứng đầu, chuyên chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, tắc kinh, viêm nội mạc tử cung và những rối loạn thời mãn kinh. Ngoài ra, hạt đào còn có thể dùng trong các chứng phát sốt, chấn thương trật đả, táo bón và phù thũng.                                                   

Tại Nhật Bản, từ xưa lá đào được dùng trị đau đầu và chàm; cành đào dùng trị đau vùng ngực và bụng; rễ đào giúp trị hoàng đản (viêm gan vàng da), chảy máu cam, tắc kinh, nôn ra máu và bệnh trĩ; vỏ thân dùng trị sưng phù ngoài da và chàm; nhựa cây thậm chí cũng có hiệu quả đối với bệnh lậu và các bệnh thuộc đường tiết niệu.

Đào là loại cây có nhiều tác dụng dược học, hoa đào đương nhiên cũng có nhiều công dụng. Trung dược đại từ điển ghi: “Hoa đào tác dụng lợi tiểu, hoạt huyết, trừ đàm, còn chữa vô kinh, thủy thũng, phù chân và trứng cá…, kèm tác dụng tẩy trừ chất độc”. Người Nhật Bản thường dùng nụ hoa đào phơi khô, sắc uống trị bệnh táo bón.

Trong liệu pháp dùng hoa, hoa đào đóng vai trò quan trọng đối với nữ giới. Bởi trước hay sau chu kỳ sinh lý, thường do máu không điều hòa mà dẫn đến các chứng như đau đầu và bứt rứt khó chịu. Nếu phần huyết không thông, lâu ngày ứ tắc sẽ làm các phần thể dịch tích tụ trong cơ thể, gây phù thũng, căng tức ngực.

Những bài thuốc công hiệu từ hoa mai

Hoa mai vị chua; chát, tính bình, đi vào kinh can. Phân tích dược lý cho thấy chứa tinh dầu; alkaloid; flavonoid… giúp xúc tiến làm lành vết loét nhanh chóng. Theo y học cổ truyền, hoa mai có công dụng lương huyết; thanh nhiệt giải độc; lý khí; hoạt huyết sinh cơ. Dùng điều trị bệnh ban sởi thời kỳ hồi phục, đau họng do phong hỏa (do nóng), đau mắt do phong nhiệt (viêm kết mạc cấp tính)…

Một số bài thuốc có hoa mai (khô) như sau:

Điều trị ban sởi thời kỳ hồi phục:  Hoa mai 20g, sa sâm 20g, ngọc trúc 20g, mạch môn 10g, đổ 400ml nước, sắc còn 150ml, chia 2-3 lần dùng trong ngày, thường 1 tuần sẽ lành bệnh.

Đau mắt do phong nhiệt (viêm kết mạc cấp tính): Hoa mai 20g, cúc hoa 20g, đổ 400ml nước, sắc còn 150ml, khi dùng thêm vào một ít mật ong, chia uống 3 lần trong ngày. Dùng liền 5-7 ngày thấy hiệu quả, 7-10 ngày khỏi bệnh.

Bảo vệ sức khỏe cho trẻ sơ sinh: Hoa mai 10g, thêm 150ml nước, sắc 50ml, chứa trong bình thủy giữ ấm, chia 2-3 lần dùng trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giúp tẩy trừ thai nhiệt; thai độc.

Điều trị vết loét chưa lành sau khi nổi ban sởi: Hoa mai 20g, ngâm trong 60ml dầu mè hay dầu đậu phộng, sau khi ngâm 2 tuần thì dùng, thoa tại chỗ, mỗi ngày 2~3 lần. Phương thuốc này còn điều trị cho trẻ bị lác sữa da đầu; da bị bỏng nhẹ…

 Thử nhiệt phiền khát: Hoa mai 15g, hoa cúc trắng 15g, hoa hồng 15g, dùng nước sôi hãm, uống thay trà nhiều lần trong ngày. Thích hợp dùng cho người bị hoa mắt chóng mặt do say nắng.

Tăng huyết áp: Hoa mai 20g, thảo quyết minh 10g, dùng nước sôi hãm, uống thay trà nhiều lần trong ngày. Hỗ trợ phòng ngừa bệnh mạch vành.

DS. BÀNG CẨM

Bạn cũng có thể thích