‘Luca’ – Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Thú Ngày Hè

Phim hoạt hình “Luca” thể hiện thông điệp về tình bạn, tình cảm gia đình qua chuyến phiêu lưu vui nhộn của các cậu bé thủy quái.
Tác phẩm, do Casarosa đạo diễn, có bối cảnh tại thị trấn ven biển Italy vào thập niên 1950-1960, xoay quanh Luca (Jacob Tremblay lồng tiếng) – cậu bé thủy quái. Luca sống cùng gia đình dưới đáy biển, hàng ngày chăn nuôi đàn cá. Ngày nọ, cậu gặp Alberto (Jack Dylan Grazer lồng tiếng) – một thủy quái trạc tuổi sống tại đảo Isola del Mare. Nhờ Alberto, Luca khám phá được rằng loài của cậu khi lên bờ và ở trạng thái khô ráo sẽ chuyển sang hình dạng con người.
Luca và Alberto nhanh chóng thành đôi bạn thân, cùng chia sẻ những điều thú vị về cuộc sống loài người và mơ ước có một chiếc xe máy để ngao du. Cha mẹ Luca phát hiện và phạt cậu phải đến ở cùng người bác tại vùng biển sâu. Luca trốn khỏi nhà, cùng Alberto tìm đến thị trấn Portorosso. Tại đây, hai cậu bé gặp người bạn mới Giulia (Emma Berman lồng tiếng). Cả ba hợp sức trong cuộc thi Portorosso Cup nhằm đánh bại kẻ chuyên bắt nạt Ercole (Saverio Raimondo lồng tiếng) và nhận phần thưởng để thực hiện mơ ước.
Phim hoạt hình Luca là chuyến phiêu lưu mùa hè của tình bạn. Ảnh: Disney.

Phim hoạt hình “Luca” là chuyến phiêu lưu mùa hè của tình bạn. Ảnh: Disney.

Pixar thể hiện thế mạnh ở việc xây dựng hai thế giới khác biệt trong tác phẩm. Các phim gần đây của hãng này như Inside Out, Coco và Soul đều gây ấn tượng với khán giả nhờ sự kết hợp giữa thế giới loài người và những không gian siêu thực: Thế giới nội tâm, thế giới người đã khuất hay thế giới luân hồi. Cùng có bối cảnh hai thế giới như các phim trên, Luca có sự khác biệt khi ưu tiên khắc họa thế giới loài người.
Thị trấn Portorosso được lấy cảm hứng từ những thị trấn ở Italian Riviera – một vùng duyên hải bên bờ Địa Trung Hải, gợi cảm giác hoài niệm về Italy xưa. Portorosso mang vẻ đẹp đặc trưng với bãi biển đầy sỏi, quảng trường có bồn phun nước và những căn nhà nhấp nhô tựa vào lưng núi. Cuộc sống ở đây trôi qua êm đềm – trẻ con vui đùa trong những trận banh, người già chơi cờ uống trà. Những hoạt động truyền thống như cuộc đua ba môn phối hợp Portorosso Cup được cộng đồng hào hứng tham gia. Những chi tiết đậm chất Italy được các nhà làm phim lồng ghép vào phim như xe Vespa, món mỳ ống…
Màu sắc văn hóa Italy thấm đẫm trong Luca, như hình ảnh chiếc Vespa của các cậu bé.

Màu sắc văn hóa Italy thấm đẫm trong “Luca”, như hình ảnh chiếc Vespa mơ ước của các cậu bé. Ảnh: Disney.

Không khí của phim kết hợp giữa vẻ siêu thực và hoài niệm. Vẻ siêu thực được thể hiện thông qua những cảnh Luca và Alberto mơ mộng về chuyến ngao du lướt trên mặt biển hay chạm đến cung trăng – gợi nhớ đến phim ngắn La Luna của đạo diễn Casarosa. Sự hoài niệm là không khí chủ đạo của Luca. Xuyên suốt phim, Casarosa và cộng sự lồng ghép chi tiết như máy hát đĩa than, xe đạp thồ hàng, thuyền đánh cá kiểu cổ. Chuyến phiêu lưu của Luca gợi nhớ về kỳ nghỉ hè ở miền biển, khi niềm vui trẻ con là những cây kem, những trận đá banh và những đêm ngắm trời sao.
Thế giới dưới biển trong Luca cũng đầy sáng tạo. Loài thủy quái như gia đình của Luca ở trong những “căn nhà” hang đá, sống bằng việc trồng trọt tảo biển và chăn nuôi cá. Theo Indiewire, tạo hình của loài thủy quái được các nhà làm phim lấy cảm hứng từ những câu chuyện dân gian của Italy.
Tâm lý của trẻ con được các nhà làm phim khắc họa tinh tế. Được tiếp xúc với thế giới mới, Luca và Alberto tò mò và khao khát khám phá – nhất là những trò cảm giác mạnh. Khi bị gia đình ngăn cấm, phản ứng đầu tiên của Luca là kháng cự và chạy trốn. Chứng kiến bạn thân của mình dần trở nên thân thiết với bạn mới, Alberto dần hình cảm cảm giác ghen tị. Cảm giác sợ hãi đôi khi lấn át tâm trí của Luca, khiến cậu hành động nông nổi. Nhưng quan trọng hơn, sự vô tư hồn nhiên trong tình bạn giữa Luca, Alberto và Giulia được bộc lộ khi một trong số họ gặp nguy hiểm, những người còn lại xả thân bảo vệ.
Luca là phim hoạt hình điện ảnh đầu tay của đạo diễn Enrico Casarosa. Casarosa xuất thân là họa sĩ vẽ storyboard, từng tham gia vào những bộ phim của Pixar như Up, Coco. Năm 2011, Casarosa gây ấn tượng với vai trò đạo diễn của La Luna - phim hoạt hình ngắn nhận được đề cử Oscar. Câu chuyện trong Luca mang đậm chất cá nhân của Casarosa - được lấy cảm hứng từ tình bạn của anh và Alberto (nguyên mẫu của nhân vật cùng tên).

Luca là phim hoạt hình điện ảnh đầu tay của đạo diễn Enrico Casarosa. Casarosa xuất thân là họa sĩ vẽ storyboard, từng tham gia vào những bộ phim của Pixar như “Up”, “Coco”. Năm 2011, Casarosa gây ấn tượng với vai trò đạo diễn của “La Luna” – phim hoạt hình ngắn nhận được đề cử Oscar 2011. Câu chuyện trong “Luca” mang đậm chất cá nhân của Casarosa – được lấy cảm hứng từ tình bạn của anh và Alberto (nguyên mẫu của nhân vật cùng tên). Ảnh: Pixartimes.

Phong cách vẽ là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của Luca với những phim gần đây của Pixar. Trên Collider, đạo diễn Casarosa cho biết muốn phần hình ảnh trong Luca là sự kết hợp giữa đồ họa máy tính và vẽ tay. Phim rực rỡ như bức tranh màu nước, toát lên sự sôi nổi của một chuyến phiêu lưu ngày hè. Casarosa áp dụng một số thủ pháp trong kiểu vẽ 2D để tạo nên chất thủ công và hoài niệm. Tiêu biểu là tạo hình khuôn miệng tròn và rộng, khác với kiểu góc cạnh và chân thực (realistic) theo xu hướng gần đây. Bên cạnh đó là kỹ thuật đa chi (multi-limb), được các nhà làm phim sử dụng trong các cảnh nhân vật chuyển động nhanh hoặc chới với. Tiêu biểu như cảnh Alberto rơi từ trên cao xuống biển. Cách vẽ tạo nên sự ngờ nghệch đáng yêu trong chuyển động của nhân vật.
Phong cách này thường xuất hiện trong những thập niên trước, nhất là các tác phẩm của bậc thầy phim hoạt hình Nhật Bản – Miyazaki Hayao. Trên trang Animation World Network, Casarosa nói từ nhỏ đã yêu thích và chịu ảnh hưởng từ Miyazaki. Tên của thị trấn Portorosso là cách chơi chữ từ Porco Rosso – một bộ phim nổi tiếng của Miyazaki. Bên cạnh Miyazaki, Luca còn là sự tri ân Casarosa dành cho đạo diễn Federico Fellini và những nhà làm phim huyền thoại người Italy.
Ngoài thông điệp về tình bạn và tình cảm gia đình, Luca còn cổ vũ cho sự bình đẳng. Thế giới thủy quái và loài người là ẩn dụ về khoảng cách của sự khác biệt. Trong lịch sử, thủy quái và loài người sợ hãi lẫn nhau. Nhưng đến khi tiếp xúc, những khác biệt trong cách giao tiếp, ăn uống dần được xóa nhòa. Phim còn là lời động viên cho mỗi cá nhân về sự mở lòng, tự tin vào bản thân trước khi có được công nhận từ cộng đồng.
Phim được các giới bình phim đánh giá tốt, với số điểm 89% trên Rotten Tomatoes và 71/100 trên Metacritic. Trang The Wrap dùng từ “ngọt ngào và đầy rung cảm” để nói về phim. Indiewire và The Hollywood Reporter khen ngợi sự hoài niệm và phần hình ảnh của phim.
Minh Dương
Bạn cũng có thể thích