Hương vị sushi lươn kết hợp phô mai ở TP.HCM

Cho khoanh sushi Unagi Cheese vào miệng, thực khách có thể cảm nhận vị lươn nướng quết sốt Kabayaki đậm đà hòa với lớp cơm mềm, ngọt, bơ thanh mát và phô mai dẻo dẻo, thơm ngon.

Sushi World Signature, nằm ở tầng 13 của một cao ốc trên đường Trần Quang Khải, là nơi thực khách TP.HCM tìm đến thưởng thức món sushi Unagi Cheese. Đầu bếp Kazuyoshi Takubo, người trực tiếp chế biến, cho biết món ăn được tạo nên dựa trên giá trị ẩm thực truyền thống Nhật Bản và biến tấu thêm, phù hợp với khẩu vị người Việt. Đó là sự kết hợp giữa cơm, lươn nướng, bơ và phô mai.

Điểm nhấn của món ăn nằm ở nguyên liệu lươn nước ngọt, tách đôi, lọc sạch xương, phết sốt tương ngọt Kabayaki và nướng trên than hoa. Ngoài protein, thịt lươn còn có các loại vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Người dân Nhật dùng nguyên liệu này chế biến các món giải nhiệt vào mùa hè (trong khoảng tháng 6-8).

“Ẩm thực Nhật Bản rất chú trọng đến sự tinh khiết từ nguyên liệu nấu ăn như rong biển, cá, rau củ và gạo, hạn chế sử dụng nhiều gia vị. Chọn đúng loại gạo Japonica hạt tròn, dẻo và có vị hơi ngọt là một trong những yếu tố quyết định độ ngon của sushi”.

Thành phần bơ giúp cân bằng hương vị, đem lại cảm giác thanh mát khi kết hợp cùng lươn. Nên chọn quả bơ vừa chín tới, có phần cuốn hơi ngả vàng, sờ tay vào thấy mềm mà không quá nhũn. Bơ còn sống vị đắng, trong khi quả chín nẫu dễ bị dập nát trong quá trình chế biến.

Kazuyoshi Takubo sử dụng con dao Sashimi với thiết kế mũi nhọn, dài, nhẹ nhàng cắt lươn thành lát mỏng vừa ăn. Đầu bếp này cũng tranh thủ cắt bơ, tách vỏ, sắp xếp phô mai, lá rong biển ra đĩa riêng.

Cơm được nấu chín rồi thêm giấm, muối và một ít đường. Sự pha trộn này giúp cơm trắng và ngon, có độ kết dính khi cuộn.

Đầu bếp người Nhật đặt lên thớt một tấm mành tre, bên trên có lá rong biển, sau đó rải đều cơm và xoay mặt lại. Phần cơm ở phía ngoài có tác dụng kết dính miếng lươn.

Miếng sushi sẽ trông đẹp mắt và chắc chắn hơn nếu bạn ép chặt, đều tay. Người nấu ăn phải canh sao cho miếng bơ bên trong giữ nguyên hình dạng ban đầu, không bị nát.

Sau cùng, phủ lươn đã chuẩn bị sẵn lên trên tương đương với 4 phần ăn, cắt miếng dày khoảng 1,5-2 cm.

Bên cạnh các nguyên liệu truyền thống, sushi Unagi Cheese có thêm phô mai dẻo, béo, thơm và miếng bơ tươi, thanh mát.

Trước khi mang thức ăn ra bàn, sushi được rưới một lớp nước sốt chua ngọt vừa đủ. Màu sắc, cách bày trí ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của tín đồ ẩm thực. Vì vậy, việc sắp xếp, trang trí món ăn sao cho tinh tế, đẹp mắt là kỹ năng cơ bản của đầu bếp.

Quầy bar là vị trí đặc biệt nơi thực khách dễ dàng trò chuyện, trực tiếp quan sát đầu bếp sơ chế nguyên liệu, cuộn sushi.

Ngoài ra, thực khách có thể vừa ngắm cảnh thành phố từ trên cao, vừa thưởng thức món ăn khi chọn ngồi vị trí cửa sổ. Tổng thể không gian từ bàn ghế tới khung cửa gỗ màu nâu chủ đạo toát lên nét Nhật Bản đặc trưng.

Khi được hỏi ăn sushi như thế nào mới đúng, đầu bếp chia sẻ: “Thực khách có thể dùng đũa hoặc tay không để thưởng thức sushi, song, quan trọng nhất, hãy ăn cả khoanh, đừng cắn từng chút một. Hành động này làm xáo trộn hương vị món ăn và hình thức bên ngoài cũng không còn đẹp mắt”.

Bỏ khoanh sushi Unagi Cheese vào miệng, bạn ngay lập tức cảm nhận được vị mặn mà, thơm của miếng lươn nướng bao bọc nơi đầu lưỡi. Phần thịt này không bị sạm do lớp mỡ thấm vị. Cơm dẻo, bơ tươi, phô mai cũng làm tròn nhiệm vụ tạo ra điểm nhấn ngọt, thơm, béo và bùi trộn lẫn, ghi điểm với khách hàng.

Bản thân món ngon đã được rưới sốt nên khá vừa ăn. Thực khách thích ăn đậm có thể quết một ít wasabi lên sushi rồi chấm nhẹ vào chén nước tương để tăng hương vị. Đầu bếp đưa ra lưu ý nên chấm phần lươn vào nước tương để tránh làm cơm trong miếng sushi bị bở và rơi ra ngoài.

Thảo Ly

Video: Thiên TâmẢnh: Chí HùngĐồ họa: Phương Trâm Sản xuất: Phan Nhật

Bạn cũng có thể thích