Hợp đồng nhà đất viết tay có hiệu lực pháp lý khi nào?
Thời điểm trước đây, hợp đồng nhà đất viết tay rất phổ biến bởi chúng né được các khoản thuế. Tuy nhiên, khi có tranh chấp pháp lý xảy ra sẽ gặp nhiều rủi ro khó giải quyết.
Mua đất bằng giấy viết tay là gì?
“Đất mua bằng giấy viết tay” chỉ là cách gọi phổ biến của người dân. Thực chất, đây là việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bằng giấy tờ không được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Mua đất bằng giấy viết tay hợp pháp khi nào?
1. Chuyển nhượng trước ngày 1.7.2014
Khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau: thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền như sau:
“1. Các trường hợp đang sử dụng đất sau đây mà chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì người đang sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo quy định của Luật đất đai và quy định tại Nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật:
a) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 1 tháng 1 năm 2008;
b) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 1 tháng 1 năm 2008 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và Điều 18 của Nghị định này”
Mua bán nhà đất qua hợp đồng viết tay không tránh khỏi vướng nhiều rủi ro khi tranh chấp pháp luật. Đồ hoạ: Kim Nhung |
2. Chuyển nhượng từ ngày 1.7.2014 đến nay
Tại Điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 ghi rõ: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau phải công chứng, chứng thực nếu không sẽ không có hiệu lực, trừ khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015.
Điều này có nghĩa nếu công dân không công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng thì giao dịch đó vô hiệu, không thể đăng ký biến động (không sang tên được).
Xử lý khi có tranh chấp như thế nào?
Hướng xử lý trường hợp tranh chấp về chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giất viết tay từ trước 1.7.2014 như sau:
– Tranh chấp đất đai (xác định ai là người có quyền sử dụng đất) sẽ phải hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất trước khi khởi kiện tại Tòa án nhân dân hoặc đề nghị UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết.
– Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Các bên không qua UBND xã, phường thị trấn nơi có đất mà được khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền luôn.