Hoa đào: bổ thận, dưỡng nhan

Nhiều loại hoa đã được người xưa sử dụng có giá trị thẩm mỹ sâu sắc và là vị thuốc thanh nhiệt, tiêu viêm, hoạt huyết hóa ứ, tư âm bổ thận, dưỡng nhan như cúc trắng, hải đường, tầm xuân, đỗ quyên, phù dung, hoa mận, hoa lê…

Y học cổ truyền phương Đông cho rằng, có thể trọng dụng vẻ đẹp tao nhã và hương thơm thanh khiết cũng như cái sinh khí tràn trề, mãnh liệt của hoa lá để làm đẹp cho làn da và nâng cao sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa và phòng chống bệnh tật.

Nếu như ở Trung Quốc, quả đào là bộ phận được chú ý nhiều nhất thì ở nước ta, hoa đào lại được biết đến nhiều hơn.

Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi) hoa đào có tính tẩy và có tác dụng làm thông tiểu tiện (nên được dùng điều trị phù thũng, bí đại tiện).

Ngày dùng từ 3 – 5g hoa đào, nấu lấy nước uống trong ngày (cần lưu ý rằng hoa đào sau khi phơi xong thì chỉ dùng trong thời hạn 1 năm, để lâu thì hoa sẽ mất tác dụng).

Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, hoa đào đã được dùng kết hợp cùng nhiều vị thuốc khác để điều trị chứng đại tiện không thông.

Cách dùng như sau: Lấy hoa đào, bột hoạt thạch, hạt vông vang và hạt cau già (liều lượng các vị bằng nhau); tất cả đem phơi khô rồi nghiền thành bột. Mỗi lần uống 8g, uống bằng nước sắc hành trắng và uống vào lúc đói (Nam dược thần hiệu). Ngoài ra, để làm đẹp da từ bên trong, cũng có thể lấy hoa đào (đã phơi khô), đem nghiền mịn để dùng dần. Mỗi lần dùng 1/2 thìa con bột hoa đào hòa với nước ấm rồi uống.

Hoa đào

Trà hoa đào  làm đẹp da.

Theo Cây hoa chữa bệnh (Nguyễn Văn Đàn – Vũ Xuân Quang – Ngô Ngọc Khuyến) hoa đào không có độc và còn có thể trị bế kinh, tích trệ: mỗi ngày, lấy từ 3 – 6g hoa đào, sắc lấy nước uống hoặc tán thành bột hòa với nước uống.

Theo nhiều sách thuốc cổ như Thiên kim phương, Ngoại đài, Thánh tễ tổng lục, Thánh huệ phương.., hoa đào có vị đắng, tính bình, không độc, vào 3 đường kinh tâm, can và vị, có công dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện, được người xưa dùng để chữa chứng rụng tóc, hói đầu. Người ta dùng bột hoa đào trộn với dầu vừng rồi bôi lên nơi tổn thương. Lưu ý, nên thu hái hoa trước khi hoa nở.

Dưới đây là một số phương thuốc kinh nghiệm dùng hoa đào giảm cân, giữ dáng, làm đẹp da, trừ thấp, tán phong hàn, hoạt huyết để bạn đọc tham khảo và áp dụng:

Rượu hoa đào hoạt huyết, nhuận da và mỹ dung; dùng cho trường hợp da dẻ nhiều nếp nhăn và kém tươi sáng: hoa đào khô 150g (thu hái hoa đào mới nở rồi phơi khô trong bóng râm) đem ngâm với 1.500ml rượu trắng, bịt kín miệng, sau 15 ngày có thể dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10 – 20ml, đồng thời lấy một chút rượu thoa đều lên da mặt.

Trà hoa đào hoạt huyết tán phong, trừ thấp nhuận da; dùng cho trường hợp da mặt có nhiều vết nám và tàn nhang:  hoa đào 10g, hoa sen 15g hãm với nước sôi trong bình kín, uống thay trà hằng ngày.

Bột hoa đào giảm cân, giữ dáng, nhuận và sáng da, phòng chống nếp nhăn:

Hoa đào 30g, bạch dương bì 30g, đông qua nhân (nhân hạt bí đao) 40g, tất cả sấy khô, tán bột mịn, uống ngày 3 lần, mỗi lần 3g với rượu nhạt.

Hoặc dùng bài: hoa đào 300g hái vào ngày 3/3 âm lịch, phơi khô trong bóng râm rồi tán thành bột mịn, đựng trong bình kín, uống ngày 3 lần, mỗi lần 3g.

Phương thuốc làm đẹp bí truyền của cung đình đời Đường (Trung Quốc): hái hoa đào tươi vào ngày 3/3 âm lịch đem phơi khô trong bóng râm rồi tán thành bột mịn. Sau đó, vào ngày mùng 7/7 âm lịch lấy lượng máu gà ác vừa phải hòa đều với bột hoa đào thành thuốc thoa một lớp mỏng lên da mặt. Công dụng: làm cho da dẻ mịn màng tươi sáng.

Món ăn bài thuốc: hoa đào 20 bông, tôm nõn 300g, củ cải 150g, hành tây 75g, tương cà chua 50g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Hoa đào lấy cánh hoa rửa sạch, củ cải và hành tây rửa sạch thái mỏng, đổ dầu vào chảo, phi hành cho thơm rồi cho tôm, củ cải và hành tây vào xào to lửa, khi chín cho tương cà chua và gia vị vừa đủ, đổ ra đĩa, rắc cánh hoa đào lên trên, ăn nóng. Công dụng: tư âm bổ thận, nhuận da và dưỡng nhan sắc.

BS. Lê Thị Hương

Bạn cũng có thể thích