Giúp người không khó, giữ được ‘lòng tự trọng’ cho người được giúp mới thật sự khó
Lòng tốt là thành quả và cũng là một bản năng của con người. Nó thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến người khác qua những việc làm tinh tế trong cuộc sống hàng ngày.
Giữ “lòng tự trọng” cho người đối diện
Có một ông chủ khách sạn, một ngày nọ tình cờ mở cửa phòng dành riêng cho nhân viên, ông thấy những người phục vụ phòng đang tụ tập, ăn thức ăn thừa của khách trên bàn.
Khi thấy ông chủ bất ngờ bước vào, các nhân viên không biết làm thế nào ngoài việc dừng đũa, vẻ mặt đầy ngượng ngùng. Lúc ấy, ông chủ đột nhiên đi thẳng tới bàn thức ăn thừa, cầm lấy đôi đũa, cười thân thiện chào hỏi và bắt đầu cùng mọi người ăn cơm.
Các nhân viên chưa hết bất ngờ vì sự xuất hiện của sếp, thì lại trợn to mắt ngạc nhiên trước hành động của ông. Tất cả mọi người ngượng ngùng vài giây, sau đó lại vui vẻ cùng nhau dùng bữa.
Cách ứng xử tuyệt vời của ông chủ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các nhân viên. Một hành động tuy nhỏ, nhưng nó lại giữ được “thể diện” cho tất cả nhân viên, khiến mọi người gần gũi nhau hơn.
Các nhân viên khen thầm: “Sếp thật tinh tế và giàu tình người”, đối với người làm kinh doanh thì đây cũng là một thành công, vì cảm hóa được lòng người không phải là một việc dễ làm.
Giúp bạn nhưng vẫn giữ thể diện cho bạn
Có một cậu bé gầy gò, gia đình khó khăn không đủ ăn, không đủ mặc. Vì không muốn người khác thương hại, và để các bạn trong lớp không biết nhà mình có hoàn cảnh như thế, ngày nào cậu ta cũng xách “hộp cơm rỗng” đến trường.
Mỗi lần tan học, cậu là người đầu tiên bước ra khỏi lớp, bề ngoài là đi vệ sinh nhưng thực ra là đi uống nước cho qua cơn đói.
Một ngày nọ, như thường lệ, cậu ấy đi vệ sinh sau giờ học. Trong bụng có tiếng kêu cồn cào, vặn vòi nước và nuốt vội vài ngụm nước lạnh. Trở lại lớp học, nhìn các bạn cùng lớp đang vui vẻ ăn trưa, trong lòng cậu ao ước giá như mà mình được một bữa ăn như vậy.
Trong khi cái bụng cứ “biểu tình” không dứt. Cậu nhìn vào hộp cơm rỗng lúc sáng mang theo để tưởng tượng đôi chút, và bỗng nhận thấy có điều gì đó “bất thường”.
Sau khi tò mò mở ra: Ôi chao! Thật là ngạc nhiên…sao bên trong lại có thức ăn đây này! Tuy không nhiều, nhưng có thể no bụng.
Cậu bé lập tức ngước lên, đảo mắt nhìn quanh một vòng thấy ai cũng đang dùng bữa vui vẻ, tiếng cười nói rôm rả, cũng không ai nhìn hay để ý gì đến cậu. Thế là cậu ta ngồi xuống, trong lòng thầm cảm ơn những ai đã góp thức ăn cho mình, và bắt đầu dùng bữa như không có chuyện gì xảy ra.
Hóa ra những học sinh tốt bụng đã phát hiện ra bí mật về hộp cơm trống rỗng của cậu bé. Trong lúc cậu bé đi uống nước lót dạ, họ góp một phần thức ăn của mình cho vào cái hộp rỗng kia. Có người góp bánh mì, có người góp hoa quả, có người góp cà rốt … rất nhanh chóng hộp cơm trống được lấp đầy.
Các bạn cùng lớp trở lại chỗ ngồi tỏ ra như chưa có chuyện gì xảy ra. Để không làm cậu bé xấu hổ, không ai phá vỡ sự thật.
Giúp đỡ người khác luôn dễ dàng hơn chúng ta nghĩ
Những đứa trẻ với sự hồn nhiên và cao thượng giúp bạn, nhưng vẫn giữ lòng tự trọng cho bạn. Nghĩ lại, nhiều người trưởng thành chưa chắc được vô tư như vậy.
Tử tế là đức tính và cũng là một loại bản năng. Nó thể hiện sự tôn trọng, quan tâm đến người khác qua những điều tinh tế của cuộc sống.
Người xưa có một câu nói rất hay: Lòng tốt chân chính là làm điều thiện mà không giương cao ngọn cờ của lòng tốt; đó là tích đức mà không để người khác nhìn thấy, thiện chí ấy giống như dòng suối trong vắt.
Thiện lương cần có phương pháp thích hợp để biểu hiện, đôi khi làm điều tốt mà phô trương thì có thể làm “tổn thương” người khác. Điều đó là biến dị, là xuất phát điểm từ việc muốn khoe khoang, chứng tỏ bản thân, chứ không phải thật tâm vì người.
Ví như, có một bức ảnh tên “Nắm tay” đã gây ra tranh cãi rộng rãi, bối cảnh của bức ảnh như sau: Hai cô bé đang đứng trước tấm bảng đen có dòng chữ “Chung tay góp sức đến trường”, em học sinh được nhận quyên góp thì cúi mặt xuống đất, cô gái tặng quà cho bạn nhìn lên cười tươi. Mặc dù cả hai nắm tay nhau nhưng bé gái nhận quà có gương mặt hơi ngượng ngùng.
Mạnh Tử nói: “Trắc ẩn chi tâm, nhân giai hữu chi”, tạm diễn nghĩa: Con người ai cũng có lòng trắc ẩn.
Tuy nhiên, lòng tốt thực sự là đặt bản thân và người nhận vào cùng một tầm cao từ tận đáy lòng. Lòng tốt thực sự là giúp đỡ người khác mà không quên để lại cho người khác phẩm giá và lòng tự trọng.
Mai Trang – T/h