Bảo vệ môi trường bằng gạch nhẹ làm từ rác thải nhựa

Nhóm sinh viên trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đang gây ấn tượng với dự án Octoplastic phát triển mô hình sản xuất gạch nhẹ từ vật liệu thải. Dự án được nhiều chuyên gia đánh giá cao về tính thực tiễn và khả năng nhân rộng.

Sản phẩm gạch nhẹ được làm từ rác thải nhựa (Ảnh: Nhóm Octoplastic)

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội. Số liệu của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển trên toàn thế giới. Việt Nam xếp thứ 4 trong danh sách các quốc gia, khu vực có lượng rác thải nhựa ra đại dương lớn nhất thế giới, khoảng 0, 28 – 0,73 triệu tấn mỗi năm.

Trong đó, loại nhựa polystyrene (nhựa PS) không thể tái chế thường được dùng làm hộp cơm, ly nhựa chiếm tỷ lệ rất lớn, nhưng ít được chú ý trong các chương trình giải quyết vấn đề môi trường. Chính vì vậy, một nhóm 5 sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) có ý tưởng biến rác thải nhựa thành gạch không nung, gạch nhẹ, vừa giảm thiểu rác thải ra ngoài môi trường, vừa tăng thêm nguồn cung vật liệu xây dựng.

Quy trình sản xuất gạch nhẹ từ rác thải gồm 3 công đoạn chính. Một là rửa sạch, cắt hộp, ly nhựa và nghiền nhỏ theo dạng hạt. Hai là trộn đều hỗn hợp xi măng, nước và hạt nhựa PS. Ba là đổ hỗn hợp vào khuôn và phơi khô, hoặc sấy trong vòng 24 giờ.

Điều đặc biệt của công trình nghiên cứu này là quy trình khép kín, không làm nóng chảy rác thải nhựa nên không sinh ra khí thải gây ô nhiễm môi trường. Lượng nước thải ra sau giai đoạn tiền xử lý gần như không độc hại, không chứa kim loại nặng và dễ phân hủy hữu cơ vì rác được sử dụng phần lớn là rác thải sinh hoạt.

Để cho ra sản phẩm hoàn thiện, nhóm phải thử nghiệm và thất bại hơn 30 lần trong nhiều tháng. Trưởng nhóm Lạc Dân Hy cho biết: “Thời gian đầu, bọn em gặp khá nhiều khó khăn, ví dụ như trộn tỷ lệ các nguyên liệu không đạt chuẩn. Sau khi điều chỉnh, viên gạch mới đạt được độ cứng, độ chịu lực phù hợp”.

Nhóm nghiên cứu cho biết, các viên gạch nhẹ làm từ rác thải có trọng lượng nhẹ, cách âm, cách nhiệt rất tốt và chi phí sản xuất thấp nên khả năng ứng dụng vào thực tiễn là rất cao.

Một viên gạch nhẹ có 40 – 50% chất liệu nhựa, còn lại là xi măng và các vật liệu khác. Quan trọng hơn là loại gạch này làm từ rác thải đạt tiêu chuẩn mác bêtông M50 của Việt Nam (TCVN 1450:2009), khả năng cách nhiệt 90%, không bắt cháy ở điều kiện thường và khả năng cách âm khoảng 60-70%.

gach nhe lam tu rac thai nhua giup bao ve moi truong
Tác giả của sản phẩm gạch nhẹ làm từ rác thải, nhóm sinh viên Octoplastic đến từ ngành Kỹ thuật Hóa học, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) 

Không chỉ tái chế rác thải thành gạch nhẹ, nhóm Octoplastic còn có kế hoạch nghiên cứu phát triển một số sản phẩm khác như vật dụng sinh hoạt, đồ lưu niệm… Theo chia sẻ của nhóm Octoplastic, quy trình sản xuất đơn giản nên nhiều hộ gia đình có thể tự làm gạch nhẹ để xây dựng các công trình nhỏ.

Dự án đã giành được giải Nhì cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” do UNESCO tổ chức. Nhưng để ý tưởng thực sự đi vào sản xuất với quy mô lớn, dự án vẫn cần nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia và các nhà đầu tư.

T/H

Bạn cũng có thể thích