Giàu có nhờ bán beat âm nhạc cho ca sĩ nổi tiếng
Wasim Khamlichi là người đam mê máy tính. Năm 10 tuổi, anh được gia đình tặng chiếc máy tính đầu tiên và bắt đầu học viết code. Đến năm 16 tuổi, Khamlichi trở thành nhà phát triển phần mềm cho cơ quan thu thuế của Anh.
Song, cuộc đời chàng trai đam mê máy tính rẽ sang con đường khác – nhà sản xuất âm nhạc. Anh theo học trường Kỹ thuật Âm thanh Anh – trường cao đẳng tư thục có chi nhánh ở 20 quốc gia.
Sau khi tốt nghiệp, Khamlichi đến Boston, Mỹ để thực tập tại một phòng thu âm.
Từ bỏ công việc ổn định, Wasim Khamlichi gặp nhiều khó khăn khi đến Boston năm 2008. Con đường trở thành nhà sản xuất âm nhạc gặp nhiều chông gai. “Thành công chỉ đến khi khi bạn tìm thấy nghệ sĩ lớn để hợp tác cùng”, Khamlichi nói với BBC.
Thay vào đó, Khamlichi quyết định đi theo con đường mới. Chàng trai 20 tuổi sử dụng kỹ năng viết code, tạo ra cửa hàng trực tuyến cung cấp beat cho nghệ sĩ. Điều này đã thành công. Dịch vụ Airbit do anh phát triển hiện có nửa triệu người dùng, trở thành thị trường đầy tiềm năng.
Theo CNBC, nhà sản xuất âm nhạc tạo beat từng phải vật lộn để kiếm sống. Giờ đây, các cửa hàng trực tuyến và giấy phép không độc quyền đang giúp họ trở thành “đại gia âm nhạc”.
Từ đam mê đến công việc toàn thời gian
Rất ít người tự tin nói mình kiếm được thu nhập hơn 100.000 USD/năm dù chỉ làm việc 20 giờ/tuần. Cũng hiếm có nhà sản xuất âm nhạc vô tình có ca khúc đứng số 1 tại quốc gia xa lạ.
Song, Robin Wesley – nhà sản xuất người Hà Lan – tự tin nói được hai điều này, nhờ vào ngành công nghiệp mang tên kinh doanh beat âm nhạc, theo CNBC.
Năm 2012, sau khi thử nghiệm và đăng các giai điệu lên Internet, chàng trai trẻ bắt đầu gia nhập thị trường kinh doanh beat.
Năm đầu tiên gia nhập Airbit và SoundClick, Robin Wesley cho biết anh chỉ kiếm được 500 USD. Hai năm sau, anh kiếm được 30.000 USD, con số nhiều nhà sản xuất trẻ ao ước. Cho đến thời điểm bài viết này ra đời, Robin Wesley tự tin kiếm được vài trăm nghìn USD mỗi năm.
Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn dễ dàng. Con đường trở thành ngôi sao trong lĩnh vực bán beat trải qua nhiều thăng trầm.
“Tôi không có trong tài khoản từ 0 đến 10.000 USD chỉ sau một đêm. Hãy nhớ rằng tôi chỉ kiếm được 500 USD trong năm 2013 từ việc bán beat”, Wesley nói trên Urban Master Class.
Thời gian đầu, Robin Wesley học hỏi, sáng tạo beat từ những ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc. Sau thời gian làm việc, nhà sản xuất Hà Lan quyết định tìm chỗ đứng riêng.
Từ một lĩnh vực kinh doanh không chính thống, Wesley dần trở thành ngôi sao. Nhà sản xuất âm nhạc người Hà Lan biến đam mê trở thành công việc toàn thời gian. Theo BBC, kể từ năm 2013, Wesley cung cấp khoảng 10.000 giấy phép cho hơn 160 bản nhạc.
“Bán beat trực tuyến là trải nghiệm thú vị. Nó giúp ngành công nghiệp âm nhạc trở nên đa dạng”, Robin Wesley trả lời BBC.
Tháng 9/2017, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa từng mua beat trực tuyến của Robin Wesley. Nhạc sĩ người Hà Lan không ngờ beat của mình được sử dụng trong ca khúc Người lạ ơi! được phát hành vài tháng sau đó.
“Tôi nhận được tin nhắn từ người hâm mộ ở Việt Nam. Đó là lúc tôi biết beat của mình được sử dụng trong ca khúc ăn khách”, Wesley nói với CNBC.
Từ việc bán beat, đến nay nhà sản xuất người Hà Lan hoàn toàn có thể thương lượng tiền bản quyền sau khi Người lạ ơi! trở thành ca khúc nổi tiếng tại Việt Nam.
Sức hút từ ngành công nghiệp mua bán beat
Sức hấp dẫn từ việc làm giàu nhờ bán beat dẫn đến nhiều người trẻ bỏ việc, làm trái ngành để theo đuổi đam mê âm nhạc.
Barbara Rodriguez (biệt danh Babi) là nhà sản xuất beat đến từ Venezuela. Cô từng học ngành Y tại quê nhà nhưng luôn có đam mê âm nhạc. Tuy nhiên, quốc gia Nam Mỹ không phải là nơi để cô phát triển.
Năm 25 tuổi, Rodriguez rời quê nhà đến Miami, Mỹ để thử sức. Là phụ nữ, cô thấy đây là công việc khó khăn. “Thời gian đầu, tôi bị nhiều nghệ sĩ đánh giá thấp. Tôi phải làm việc chăm chỉ để đạt được thành công”, cô nói với BBC. Sau ba năm, cô sinh viên ngành Y đã mở cửa hàng trực tuyến bán beat cho riêng mình.
Nhiều người khác chọn sử dụng các trang web môi giới, tiêu biểu là BeatStars, SoundClick, Soundee và Airbit.
Nhà sản xuất Wasim Khamlichi, giám đốc điều hành Airbit, cho biết các nhà sản xuất đã kiếm được hơn 32 triệu USD trên nền tảng của anh. Thậm chí, một số nhà sản xuất kiếm thu nhập lên đến vài trăm nghìn USD/năm nhờ việc bán beat. Vài người “vụt sáng thành sao” khi được nghệ sĩ lớn để mắt và đưa beat vào sản phẩm âm nhạc.
Lil Nas X từng mua beat trên các trang trực tuyến với giá 30 USD để tạo nên thành công cho bản hit Old Town Road. Young Kio – nhà sản xuất âm nhạc 19 tuổi, người góp phần vào thành công cho Lil Nas X – nhanh chóng được Universal Music Group mời ký hợp đồng ngay sau đó.
Ai bán beat cũng thành công?
Daniel Jimenez, người được biết đến với nickname DVNNY BEATS, cho biết trở thành nhà sản xuất giỏi chưa bao giờ là đơn giản. Anh bắt đầu theo đuổi đam mê khi là sinh viên năm thứ nhất của Đại học Notre Dame.
“Mọi khi đã thay đổi khi nghe album thứ 4 của Kendrick Lamar. Tôi nhận ra viết beat là đam mê cả đời mình”, Jimenez nói với CNBC.
Tuy nhiên, con đường này không hề dễ dàng. Từ khi tạo ra những bản beat đầu tiên – thứ giờ đây anh gọi là “rác” – Jimenez ước tính anh phải bỏ từ 3.000 – 4.000 giờ để học hỏi, xem sách vở và bắt đầu sản xuất.
“Khi bắt đầu, tôi nghĩ chỉ đọc hướng dẫn, đánh vài giai điệu sẽ tạo ra beat hay. Đến lúc tìm hiểu sâu hơn, tôi biết rằng mình thiển cận. Với tôi, công nghệ tạo beat là một môn khoa học”, nhà sản xuất DVNN BEATS kể. Anh cũng thừa nhận kiếm tiền từ việc bán beat khó hơn mình nghĩ.
Ngay cả Robin Wesley, nhà sản xuất tự tin kiếm được lương vài trăm nghìn USD/năm cũng thừa nhận hành trình đến với danh hiệu ngôi sao bán beat chưa bao giờ dễ dàng.
“Kiếm được lương 6 con số/năm nghe có vẻ rất hứa hẹn nhưng không phải đơn giản. Như hàng trăm nhà sản xuất khác, chúng ta phải chấp nhận chuyện đi lên từ thất bại. Bạn phải thức dậy mỗi ngày, chăm chỉ tạo ra nhiều sản phẩm mới và chờ ngày thành công”, Robin Wesley chia sẻ trên Urban Master Class.
Nhìn vào thị trường hiện tại, có không ít nghệ sĩ chi tiền để mua beat. Theo dõi Airbit và SoundClick và BeatStars – các trang mua bán beat nổi tiếng – từ lâu, Robin Wesley khẳng định thị trường tạo ra ít nhất 30 triệu USD/năm.
“Ngay cả khi chỉ chiếm thị phần 0.1%, bạn cũng có thể kiếm được 30.000 USD/năm. Đây là lý do nhiều người bắt đầu tham gia thị trường bán beat”, nhà sản xuất người Hà Lan nói.
Tuy thị trường mua bán beat là mảnh đất màu mỡ nhưng lắm người phải từ bỏ vì những khó khăn, thách thức. Theo Robin Wesley, nguyên tắc chung là thành công không đến từ những cuộc chơi ngắn hạn.
“Khi xây dựng thương hiệu, đừng chấp nhận nghe theo những lời mời ‘đây là phương pháp thành công’. Ngay cả tôi cũng không có chiến lược bí mật. Kiến thức và kinh nghiệm là thứ duy nhất tôi có được trong những năm bán beat trực tuyến”, Robin Wesley khẳng định.