Giấc mơ sơn mài của Nguyễn Hoài Hương

Triển lãm cá nhân Giấc mơ của Nguyễn Hoài Hương khai mạc lúc 18g ngày 20.3.2021 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, bày hơn 70 tác phẩm, gồm nhiều chất liệu, vật liệu như sơn mài, sơn dầu, điêu khắc, sắp đặt, gốm… theo các không gian được thiết kế kiểu nội thất. Nhưng có lẽ sơn mài là một điểm nhấn thú vị, vì Nguyễn Hoài Hương mới bước vào vật liệu này hơn 4 năm, vậy mà đã có được những tác phẩm công phu, hiệu quả.

Trong các vật liệu đã dùng để sáng tác, sơn mài mới đến với Nguyễn Hoài Hương gần 4 năm nay, nhưng có lẽ là vật liệu hợp cạ hơn cả. Có lẽ do cá tính và công việc lâu nay của anh gần gũi với sự tỉ mỉ, nặng tính thiết kế, trang trí. Sơn mài dung chứa những điều này một cách tự nhiên, nên phát huy được nhiều sở trường và cảm hứng sáng tạo. Hơn nữa, sơn mài cũng giống như cuộc đời, luôn ẩn tàng những bất ngờ, chỉ sau khi mài thì mới lộ diện ra. Sự lộ diện này thường nằm ngoài các tiên liệu hoặc dự phóng của tác giả, vì vậy mà tính sáng tạo, chất nghệ nhiều hơn tính thợ, chất nghề. Những tính toán khoa học của một nhà thiết kế đã bị tính bí ẩn của sơn mài kích thích, nên càng vẽ càng thấy hứng thú.

“Sen nồng” – sơn mài – Nguyễn Hoài Hương vẽ năm 2020.

“Bến bằng lăng”- sơn mài – Nguyễn Hoài Hương vẽ năm 2019.

Kế đến, vì sự chăm chỉ, có phương pháp làm việc cuốn chiếu – dây chuyền và quản trị công việc rất khoa học, nên Nguyễn Hoài Hương đến với sơn mài tương đối nhẹ nhàng, hiệu quả. Cũng vì có phương pháp nghiên cứu và sáng tạo, làm việc hữu hiệu, lại đang trong nguồn cảm hứng trôi chảy, nếu mọi điều diễn ra được như ý, chừng 3-5 năm nữa thôi, anh sẽ có thêm rất nhiều bộ tranh sơn mài bề thế. Xem những bức sơn mài khổ lớn mới thấy hết công phu, sự kết hợp tài tình giữa kỹ thuật và nghệ thuật, giữa tính toán và cảm hứng thị giác bất chợt. Vài bức sử dụng cả ngàn vỏ trứng, chỉ lấy chỏm trứng để cẩn ngược và mài.

Không gian làm việc và không gian nghệ thuật của Nguyễn Hoài Hương khá rộng rãi, với bài trí khoa học, sắp đặt tạo được cảm hứng thị giác. Có thể nói chính các không gian này đã góp một phần đáng kể trong việc hình thành nên tác phẩm khổ lớn. Đặc biệt với sơn mài, vốn nặng nhọc và mất thời gian, không gian làm việc hưng phấn và phương pháp làm việc hữu hiệu đã giúp ích rất nhiều.

Xưởng sáng tác của Nguyễn Hoài Hương. Ảnh: Sang Nguyễn

Vì mấy chục năm làm trong nghề thiết kế và kiến trúc, lắng nghe biết bao nhiêu ý tưởng, yêu cầu của khách hàng – mà không phải lúc nào cũng đúng hoặc đẹp – Hoài Hương đã đạt đến độ thông hiểu, bao dung cần thiết. Bản thân anh lại khá chỉn chu, thích cái nhìn gián tiếp, u mặc kiểu Đông phương, nên khi đi vào sự u uẩn và thẳm sâu của sơn mài, đã hình thành sự liên thông tự nhiên, làm toát lên được đặc trưng và sự quyến rũ thị giác của vật liệu này.

Một điểm đáng lưu ý nữa, có lẽ cũng là quan trọng nhất, Giấc mơ vừa kế thừa những gì mà Nguyễn Hoài Hương đã theo đuổi suốt mấy chục năm qua, vừa là bước chuyển mới. Ở đây cũng là các hình ảnh Bắc bộ, không khí Huế và không gian kiến trúc Việt quen thuộc, nhưng đã được tinh lược thành các biểu tượng và biểu hiệu. Đôi khi chỉ là một bông hoa, một cây bằng lăng, hoặc chỉ vài mảng màu, gam màu đã đủ diễn đạt một vùng quê, một nếp nhà, một cảm nghĩ.

Đặc biệt, đến với sơn mài trừu tượng, Nguyễn Hoài Hương càng phát huy được cái nhìn gián tiếp và tinh thần u mặc mà bản thân đã thủ đắc, chiêm nghiệm từ lâu. Có lẽ sơn mài trừu tượng, với các bảng màu đặc trưng của Bắc bộ và Huế sẽ còn làm nên cuộc bùng phát cảm hứng và sáng tạo cho Nguyễn Hoài Hương ở tương lai gần. Bởi điều này đã được nhìn rõ qua các tác phẩm trưng bày tại Giấc mơ.

Nguyễn Hoài Hương đã có 40 năm vừa làm thiết kế, kiến trúc và vẽ. Ảnh: Sang Nguyễn

Triển lãm Giấc mơ không đơn thuần là cuộc bày biện các tác phẩm gần nhau, mà là một tổng thể thiết kế mang tính nội thất. Với khoảng 40 năm trong nghề thiết kế và thi công nội ngoại thất, cùng kiến trúc, sân vườn, du thuyền…, Nguyễn Hoài Hương có tư duy tổng thể và tổng hòa, nên khi bày biện một tác phẩm, cũng là kết quả sau cùng của tư duy ấy. Anh hình dung không gian sẵn có của bảo tàng như một căn nhà trống, để từ đó đưa tác phẩm, ánh sáng, thảm sàn, chấn phong, màu sắc… vào theo một thiết kế sắp đặt, nhằm mang lại cảm giác sinh động của đời sống thường nhật, mang chưa các công năng nhất định.

Nghĩa là ở nơi ấy, người xem như đi giữa không gian sống của một gia đình, gần gũi, chứ không phải bàng quan, có khoảng cách như thường thấy ở các triển lãm kiểu phòng trưng bày. Điều này tưởng chừng đơn giản, nhưng thật ra rất khó, nếu không có đủ kinh nghiệm và vật dụng thiết kế, khó mà làm chỉn chu cho được. Chính vì vậy, không gian, sự bài trí của triển lãm Giấc mơ sẽ là một điểm nhấn khác biệt, chỉ có xem trực tiếp mới cảm nhận hết được, mọi sự mô tả gián tiếp sẽ khó thể hiện.

Định hình và định danh từ các triển lãm nhóm từ cuối thập niên 1980, đến nay, bộ tứ này (gồm Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Hoài Hương và Đỗ Hoàng Tường) vẫn miệt mài trên con đường sáng tạo mỹ thuật của riêng mình, thỉnh thoảng bày chung một triển lãm. Có thể nói “mỗi người một vẻ”, ai cũng muốn “tìm một con đường, tìm một lối đi”, lấy sự thăng hoa của bạn làm chất xúc tác và sự thăng hoa cho bản thân. Họ âm thầm “cạnh tranh”, tôn nhau lên, nên vẫn giữ được hòa khí tao nhã và sự thiết thân đến tận bây giờ.

Trong bốn người, Nguyễn Thanh Bình sớm chọn việc vẽ toàn thời gian, còn Nguyễn Trung Tín vừa đi dạy vừa vẽ, Đỗ Hoàng Tường vừa làm báo vừa vẽ đến khi “hưu non”, Nguyễn Hoài Hương vừa làm thiết kế vừa vẽ. Nhưng điểm chung là dù bận rộn thì ai cũng có đủ chuyên tâm và thăng hoa trong việc vẽ của mình.

Lý Đợi

Bạn cũng có thể thích