Cách làm tủ bếp đúng cách để có tính thẩm mỹ cao, bền mãi và sử dụng tiện nghi hơn

Tủ bếp là không gian quan trọng đối với sức khỏe của cả gia đình, do vậy được các gia chủ rất chú trọng đầu tư. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rõ về các loại tủ bếp và những chất liệu phổ biến để làm tủ bếp tốt nhất.Tủ bếp là không gian quan trọng đối với sức khỏe của cả gia đình, do vậy được các gia chủ rất chú trọng đầu tư. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rõ về các loại tủ bếp và những chất liệu phổ biến để làm tủ bếp tốt nhất.

Ảnh bản quyền Apoly Home

Theo chia sẻ của Kiến trúc sư Nguyễn Quyền Anh (Giám đốc Công ty nội thất Apoly Home với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề), những yếu tố quan trọng gia chủ cần nắm rõ bao gồm các loại gỗ, cách phân biệt gỗ thật giả, các loại phụ kiện, thiết bị bếp phổ biến, kính ốp bếp và phong thủy.

“Câu hỏi phổ biến nhất tôi gặp là nên dùng gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp để đóng tủ bếp?”

Trước hết, phải hiểu được tính chất của 2 loại gỗ và ưu, khuyết điểm. Gỗ tự nhiên thường được sử dụng bao gồm xoan đào, sồi Nga, tần bì, gỗ hương, lim hay óc chó. Sồi Nga và tần bì là 2 loại gỗ cùng họ nên màu sắc và vân gỗ của chúng khá tương đồng. Tuy nhiên chất lượng và giá cả lại chênh lệch nhau khá nhiều do sồi Nga khá hiếm và có rất ít đơn vị tại Việt Nam nhập về. Đã có nhiều gia chủ bị nhầm lẫn 2 loại nên phải chịu giá thành cao, chất lượng kém.

Phân biệt Tần bì (trái) và Sồi nga (phải) – Ảnh Sưu Tầm.

Xoan ta truyền đời trồng ở vùng núi Tây Bắc, giá khoảng 3,5 triệu đồng. Còn xoan đào là cây xoan rừng mọc hoang, thường mọc ở khu vực Tây Nguyên, giá khoảng 4,5 triệu đồng.

Tủ bếp và bàn ăn 100% gỗ Xoan đào – (Ảnh Apoly Home)

Đa phần tủ bếp sử dụng trên thị trường hiện nay thường sử dụng xoan đào và gỗ sồi vì chất lượng của chúng tương đối tốt và giá cả cũng dễ chấp nhận, thường dao động từ 4 đến 6 triệu đồng. Đặc điểm của các loại tủ bếp gỗ tự nhiên là rất bền và mang lại vẻ đẹp khá tự nhiên. Vì vậy dù thị trường có khá nhiều tủ bếp gỗ công nghiệp có chất lượng tốt thì một số gia chủ vẫn tin dùng tủ bếp gỗ tự nhiên.

Gỗ công nghiệp có các loại như MFC, MDF, mỗi loại đều có loại thường và loại chống ẩm. Ngoài ra còn có ván HDF và HDF siêu chống ẩm plywood, dán nhựa picomat chuyên để đóng tủ bếp hoặc gắn trong nhà vệ sinh, được cung cấp bởi rất nhiều đơn vị như An Cường, Minh Long, Hòa Bình, Quảng Trị, Việt Trung, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Mỗi loại trên đều có giá chênh lệch nhau tương đối, hình thức cũng đồng đều nên nếu không phải là người trong nghề sẽ rất khó phân biệt. Đặc biệt lưu ý là hiện nay trên thị trường đã xuất hiện ván xanh nhưng lại không chứa dung dịch chống ẩm nên sẽ rất dễ hỏng, nếu làm tủ bếp thì gặp môi trường ẩm sẽ sớm bị cong vênh, thời hạn sử dụng ngắn.

Cánh tủ trên acrylic, cánh tủ dưới MDF phủ laminate, mặt đá marble vân mây – (Ảnh Apoly Home)

Trên thị trường gỗ công nghiệp có sẵn các loại như melamine, laminate, acrylic hay các loại sơn phủ bề mặt khác. Giá tủ bếp công nghiệp thường dao động từ 3 triệu cho đến vài chục triệu trên 1m dài cho cả tủ trên và tủ dưới. Đa số các gia chủ sử dụng tủ bếp từ 4 đến 8 triệu trên 1m dài, giá phụ thuộc rất nhiều vào lõi gỗ, bề mặt phủ, phương pháp ghép nối các tấm, như phương pháp bắn vít, khoan mồi rồi bắn vít, hay khoan cam chốt, cho tới việc sử dụng phụ kiện cũng như thiết bị gì đều ảnh hưởng nhiều tới giá của tủ bếp.

Tuy nhiên với bếp, các bạn không nên quá ham rẻ mà đóng những tủ bếp không đạt chất lượng đặc biệt là phần ván gỗ tuyệt đối không nên sử dụng ván không có phụ gia chống ẩm, phương án thi công không nên bắt vít trực tiếp và phụ kiện bản lề ray trượt không nên dùng hàng kém chất lượng. Nếu không, chỉ một thời gian ngắn sau, tủ bếp nhà bạn sẽ xập xệ, ảnh hưởng xấu tới thẩm mỹ cũng như vệ sinh của tủ bếp.

Thị trường còn có các loại tủ bếp khác như tủ vách nhôm kính, nhựa, inox. Tuy nhiên, những loại tủ bếp này có ít khách hàng lựa chọn và chất lượng hoàn thiện cũng như thẩm mỹ chưa tương xứng với giá thành.

Về phụ kiện, các phụ kiện của Bếp cơ bản có bản lề cánh tủ, ray trượt ngăn kéo, tay nâng cánh tủ trên, các loại giá bát, giá dao thớt, kệ gia vị, tủ đựng đồ khô các loại… Các phụ kiện này thường được sản xuất bằng inox hoặc thép mạ kẽm và cung cấp bởi các hãng như Hettich, Hafele, Cariny cho tới những phụ kiện thông thường khác của Trung Quốc. Tùy vào thương hiệu của nhà cung cấp, giá phụ kiện như bản lề ray trượt dao động từ vài nghìn đồng cho tới vài trăm nghìn đồng, các loại giá kệ và phụ kiện gắn liền với tủ bếp cũng dao động từ vài trăm cho tới vài triệu đồng.

Phụ kiện ngăn kéo xoong nồi, giá dao thớt, đa năng, ray trượt Hafele – (Ảnh Apoly Home)

Thiết bị của bếp cơ bản có bếp nấu bao gồm bếp ga, bếp từ, bếp hồng ngoại, máy hút mùi, lò vi sóng, lò nướng, máy rửa, sấy bát. Tất cả các thiết bị trên có nhiều hãng trên thị trường cung cấp như Faster, Bosch hay Canzy.

Một yếu tố khác không thể thiếu đối với mỗi tủ bếp đó chính là phần đá và kính bếp màu ốp tường. Thông thường người ta hay dùng đá nhân tạo vì đá nhân tạo đa dạng và thẩm mỹ, có khả năng chống ẩm tốt, dễ thi công và giá thành tương đối phổ thông. Đá nhân tạo có nhược điểm là hay bị trầy xước do va đập, sau thời gian dài, đá có thể mất đi độ bóng, tuy nhiên nếu như đánh bóng lại, đá lại có thể sáng đẹp như mới.

Đá ốp bếp nhân tạo Crystal Granite – (Ảnh Apoly Home)

Ngược lại, đá tự nhiên đem lại 1 vẻ đẹp sang trọng và đẳng cấp. Ưu điểm của đá tự nhiên là màu và độ bóng rất tốt. Tuy nhiên, nhược điểm của đá là giá thành tương đối cao, khó thi công, nặng và giòn. Các loại đá tự nhiên ốp mặt bếp cũng có rất nhiều loại như granite, marble, đá Bình định, Thanh hóa… Giá của các loại đá nhân tạo và đá tự nhiên nêu trên dao động từ 5,7 trăm nghìn cho tới vài triệu đồng trên 1m dài tùy thuộc vào chất lượng từng loại đá.

Kính bếp thường sử dụng là kính cường lực 6 ly, 8 ly, 10 li. Một số gia chủ tiết kiệm hơn có thể dùng kính màu dán 2 lớp hay kính màu thường. Đối với kính màu thường, sau một thời gian sử dụng thường bị ẩm mốc nên sẽ rất thiếu thẩm mỹ. Ngoài ra, nó cũng rất dễ vỡ trong quá trình sử dụng. Giá của các loại kính bếp dao động trên dưới 1 triệu đồng.

Kính màu ốp bếp cường lực 8 ly – (Ảnh Apoly Home)

Bên cạnh đó, đối với 1 căn bếp, yếu tố phong thủy là yếu tố được rất nhiều gia chủ quan tâm, sau đây sẽ là một số lưu ý cần thiết trong 1 tủ bếp thỏa mãn được các yếu tố phong thủy.

Bếp phải tọa hung hướng cát, vậy thế nào là tọa hung? Có nghĩa là nếu bạn thuộc Đông Tứ Trạch thì nên nên tọa tây tứ trạch và ngược lại. Có rất nhiều bạn hiểu sai về hướng bếp hướng mình đứng nấu nhìn ra đâu thì đó là hướng bếp, tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Hướng bếp là hướng lưng của người đứng nấu. Tuy nhiên với một số chung cư, phải thay đổi hướng bếp là vô cùng khó khăn do Module căn hộ. Chính vì vậy, các gia chủ cần hài hòa 2 yếu tố công năng và phong thủy để có được 1 căn bếp tiện nghi và dễ dàng trong quá trình sử dụng.

Cách bố trí bếp thông thường sẽ có 4 cách bố trí sẵn: chữ I, chữ L, chữ U, bố trí song song hay bếp đảo.

Bố trí bếp đảo – (Ảnh Apoly Home)

Các bạn cần chú ý theo công năng sử dụng bếp nên đặt lần lượt theo thứ tự là tủ lạnh, chậu rửa, bếp. Bếp không nên đặt giữa 2 thủy là chậu rửa và tủ lạnh. Giữa chậu rửa và bếp nấu, thường có 1 khoảng trống để thao tác hoặc để đồ chín sau khi nấu xong.

Thứ tự bài trí: tủ lạnh – chậu rửa – bếp – (Ảnh Apoly Home)

Các bạn nên tránh tuyệt đối các yếu tố sau:

Bếp không được đối diện chậu rửa, bàn thờ, cửa đi hay các góc nhọn .

Không được để dưới phòng ngủ, bàn thờ, nhà vệ sinh, gầm cầu thang, bàn học; bếp không được quay về hướng Bắc vì hướng bắc là cung Khảm hành Thủy rất kỵ.

Trên đây là một số tổng hợp các chi tiết về tủ bếp với sự chia sẻ của Kiến trúc sư Nguyễn Quyền Anh (Apoly Home). Hy vọng chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn đang chuẩn bị làm nội thất, để có tủ bếp như ý trong ngôi nhà của mình.

PV

Bạn cũng có thể thích