Cả làng ‘se duyên’ cho hoa, chờ ngày thu loại quả trăm triệu

Những ngày này người trồng bưởi Phúc Trạch đổ ra đồng thụ phấn, ‘se duyên’ cho loài cây đặc sản nhằm tăng năng suất. Cuối vụ thu hoạch đưa lại doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Bưởi Phúc Trạch là thứ quả đặc sản của huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Loài cây này nở hoa vào tháng giêng, có hương thơm ngào ngạt. Đến mùa quả chín, bưởi có vị ngọt thanh, tép giòn. Tuy nhiên để mang lại hiệu quả kinh tế, tỷ lệ đậu quả cao, người trồng bưởi phải thụ phấn bằng cách lấy phấn bưởi chua quét lên nhụy của hoa bưởi Phúc Trạch.

Hoa bưởi Phúc Trạch có màu trắng, hương thơm ngào ngạt

Theo người dân, cứ sau tết Nguyên Đán khoảng một tuần là hoa bưởi Phúc Trạch nở rộ. Đây là thời điểm thích hợp nhất để người dân tập trung nhân lực thụ phấn bổ sung cho lứa hoa chính vụ.

Xã Hương Trạch được xem là thủ phủ của loài cây đặc sản này. Từ sau mùng 6 Tết Tân Sửu, mọi người gác lại công việc đổ ra đồng thụ phấn cho hoa. Công việc mỗi ngày bắt đầu từ 6h30 và kết thúc lúc 17h chiều.

Người dân chở nhau ra đồng mang theo phấn bưởi chua để thụ phấn cho bưởi đặc sản

Dụng cụ mang theo ra đồng là một chiếc sào và giỏ đựng hoa bưởi

Anh Trần Văn Thắng (trú xóm Phú lễ, xã Hương Trạch) cho biết, gia đình anh trồng gần 1 hecta bưởi Phúc Trạch. Vào thời điểm này hằng năm, anh cùng vợ gác lại tất cả công việc để ra đồng giúp cây thụ phấn.

“Vợ chồng tôi bắt đầu công việc từ 6h30 buổi sáng nếu thời tiết đẹp. Nếu trời nắng to thì dừng. Trời nắng to phấn hoa bưởi chua sẽ bị khô, thụ phần sẽ không hiệu quả”, anh Thắng nói.

Anh Thắng phấn khởi thụ phấn cho bưởi

Những nụ hoa bưởi chua “khỏe mạnh” được người dân hái mang theo

Chọn hoa bưởi chua có phấn nhiều

Hái cánh hoa, giữ lại phần nhụy phấn gắn vào chiếc sào

Người dân lấy phấn bưởi chua chấm hoặc quét lên hoa bưởi Phúc Trạch

Những cây nào cao, phải gắn phấn hoa vào sào để tiện cho việc thụ phấn

Bác Nguyễn Hữu Thi (54 tuổi, trú xóm Phú Lộc) cho biết, gia đình bác trồng hơn 300 cây bưởi đặc sản Phúc Trạch. Hằng năm đưa lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

“Nếu bình thường không thụ phấn thì tỷ lệ đậu quả chỉ đạt khoảng 30%, bây giờ có kỹ thuật thụ phấn như thế này sẽ đạt khoảng 80% tỷ lệ đậu quả. Như vậy việc thụ phấn sẽ cho năng suất quả bưởi cao, khỏe hơn, quả đẹp hơn”, bác Thi cho hay.

Bác Thi “se duyên” cho vườn bưởi gia đình

Những cây bưởi cổ thụ buộc phải dùng bắc thang để thụ phấn

Mỗi ngày trung bình mỗi người thụ phấn được khoảng 100 cây bưởi

Nhiều người không trồng bưởi họ nhận thụ phấn thuê. Mỗi ngày được gia chủ trả công 200.000 đồng

Sau khoảng 2 tuần thụ phấn, sẽ biết tỷ lệ đậu quả. Những chùm như thế này được cho là quá trình thụ phấn thành công

Sau khi đậu quả, nếu tỷ lệ đậu quá cao thì người dân sẽ hái bớt, chọn lọc những quả xấu ngắt bỏ để đảm bảo chất lượng cho quả

Bà Đinh Thị Thanh (thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch) cho biết, quá trình thụ phấn là khoảng thời gian người trồng bưởi khá vất vả. “Thụ phấn bưởi khá mệt, nhưng sau khi xong thì chỉ cần phun thuốc đậu trái, thuốc nấm, hái bớt quả xấu, nắng lên tưới nước và đợi đến tháng tư bọc bao cho quả rồi sau đó thu hoạch chứ không cần phải tác động lên bưởi nữa. Việc quan trọng sau quá trình thụ phấn là chăm tưới cho cây”.

Thiện Lương

Bạn cũng có thể thích