Bia hơi Hà Nội – nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Việt

Từ lâu, uống bia hơi đã trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân Thủ đô. Còn gì sảng khoái, dễ chịu hơn khi giữa mùa hè nóng đến “cháy người” lại được thưởng thức một cốc bia hơi mát lạnh.
Trong ca khúc “Ngẫu hứng phố”, nhạc sĩ Trần Tiến – một người con Hà Nội xa quê đã viết:
“Hà Nội cái gì cũng rẻ
Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi…
Hà Nội cái gì cũng vui
Rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè”
Ảnh minh họa nguồn internet
Có thể nói không ngoa, bia hơi vỉa hè là một “đặc sản” in đậm dấu ấn trong tâm trí của nhiều người Hà Nội. Cứ chiều chiều, các quán bia hơi nơi góc phố lại nhộn nhịp người qua lại, rộn ràng tiếng chúc tụng, rôm rả dăm ba câu chuyện cuối ngày.
Xuất hiện ở Hà Nội từ thập niên 60 của thế kỷ trước, đến nay, bia hơi đã trở thành một phần của Hà Nội. Đây là “món” bình dân không câu nệ sang hèn, tất cả mọi người có thể chụm đầu hỉ hả bên những cốc bia hơi mát lạnh.
Ảnh minh họa nguồn internet
Người dân Hà Nội uống bia hơi để giải nhiệt. Thức uống này cũng hiện diện trong công việc hằng ngày của nhiều người, có mặt trong nhiều hình thức xã giao, từ công việc, kinh doanh cho đến đời sống tình cảm. Đặc biệt, đối với những người có mối quan hệ gần gũi, thân mật như bạn bè, đồng nghiệp, anh em thì những cuộc gặp gỡ nơi quán bia hơi sẽ giúp vui vẻ, thoải mái với nhau hơn.
Ảnh minh họa nguồn internet
Nói đến văn hóa bia hơi và thú vui “bia bọt” của người Hà thành không thể không nhắc đến chiếc cốc uống bia bằng thủy tinh rất đặc trưng. Cốc cầm nặng tay nhưng khi rót bia vào, thành cốc nhanh chóng lạnh buốt. Màu vàng của bia hơi trộn lẫn với màu xanh của chiếc cốc tạo nên sự hài hòa, mát dịu. Đưa lên mắt ngắm nhìn, thấy hàng nghìn bọt khí vây quanh thành cốc, giống như những bọt bia đang tan dần trong lớp thủy tinh xanh nhạt…
Cha đẻ của chiếc cốc “thần thánh” này, họa sĩ Lê Huy Văn kể: “Thời kỳ những năm đầu 1970, kinh tế đất nước vô cùng khó khăn. Hàng hóa khan hiếm, bia hơi trở thành thứ đồ uống xa xỉ, chỉ được bày bán trong những cửa hàng mậu dịch quốc doanh của Nhà nước. Dù vậy, mỗi buổi chiều về, hàng đoàn người vẫn xếp hàng, kiên nhẫn chờ đợi thưởng thức từng cốc bia. Khi ấy vẫn chưa có loại cốc chuyên dụng, người ta uống bia bằng đủ thứ, đựng trong cặp lồng, cốc nhựa, chén sành hay có người uống bia hơi bằng bát…”.
Ảnh minh họa nguồn internet
Năm 1974, ông Văn được yêu cầu phải thiết kế một chiếc cốc chuyên dụng chỉ để uống bia mà mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể sử dụng.
Chiếc cốc được thiết kế miệng loe, đáy nhỏ để tiện xếp chồng lên nhau; thân cốc có những gờ để dễ dàng cầm nắm. Cốc được sản xuất thủ công từ thủy tinh tái chế, do kỹ thuật còn kém nên vô tình tạo ra những nốt bọt khí. Tuy nhiên, chính sự vô tình này lại khiến chiếc cốc mang một nét đặc trưng riêng.
Điều họa sĩ Lê Huy Văn không ngờ là đến nay, sau gần nửa thế kỷ, chiếc cốc “huyền thoại” này vẫn được các “bia thủ” ưa thích. Qua thời gian, nhiều nhà hàng ở Hà Nội cũng thử nâng cấp, thay chiếc cốc vại thành những cốc thủy tinh cao cấp, có tay cầm, thế nhưng không hiểu sao vẫn không được khách hàng ưa chuộng. Và đặc biệt, khi công nghệ chế tạo thủy tinh đã hiện đại hơn trước nhưng các cơ sở sản xuất vẫn giữ nguyên nốt bọt khí trên thành cốc.
Thanh Lam – t/h
Bạn cũng có thể thích