Bí quyết vượt qua thói quen trì hoãn trong công việc
Mỗi ngày đến công ty, chúng ta lại bắt đầu tìm ra vô vàn lý do để trì hoãn một công việc nào đó dù đã lên kế hoạch từ trước. Thói quen này kéo dài sẽ gây ra rất nhiều hệ quả xấu, khiến bạn mất đi lòng tin của đồng nghiệp, cấp trên. Đôi khi, sự “nuông chiều” bản thân sẽ làm bạn bỏ lỡ cơ hội phát triển trong sự nghiệp và tệ hơn là mất việc. Dưới đây là 5 cách từ chuyên gia giúp bạn thoát khỏi sự trì hoãn và hoàn thành những công việc, nhiệm vụ được giao đúng hạn.
1. Tạo lịch trình làm việc cho mỗi tuần
Với một kế hoạch tuần cụ thể, bạn sẽ dễ dàng biết bản thân đang cần làm những gì trong một ngày, một tuần. Điều này giúp bạn không bị xao nhãng, mất tập trung trước các yếu tố tác động từ bên ngoài như mạng xã hội, trò chuyện cùng đồng nghiệp, ăn uống trong giờ làm và nhiều thứ khác. Khi bắt đầu làm việc, hãy hạn chế tất cả những thứ có thể làm bạn phân tâm.
2. Hãy nghĩ ngơi để cảm thấy bớt khó khăn hơn
Nếu cảm thấy mệt mỏi và bức bối, bạn nên tạm dừng tất cả để não bộ và cơ thể được giãn ra chút. Mỗi giờ làm việc, bạn cần nghỉ ngơi từ 5-10 phút, điều này sẽ giúp tâm trạng cảm thấy dễ chịu hơn và nhanh chóng lấy lại năng lượng “chiến đấu” với công việc.
3. Bắt đầu với công việc dễ nhất
Bạn có thể khởi động bộ não với nhiệm vụ đơn giản nhất để giành được “chiến thắng” đầu tiên trong ngày. Màn thắng lợi này giúp bạn có thêm động lực và giảm thiểu cảm giác chán nản, mệt mỏi khi nhìn vào danh sách các công việc cần làm trong ngày.
4. Xử lý công việc khó nhất trước
Ngược lại, bạn hãy thử làm công việc khó nhất trước thay vì để sau cùng. Nếu không, tâm trí bạn sẽ luôn nghĩ đến nhiệm vụ “khó xơi” đó mà ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành những việc khác. Sẽ thật thoải mái khi bản thân đã vượt qua cửa ải thành công, điều này sẽ giúp bạn gia tăng sự hưng phấn, năng lượng để xử lý sạch sẽ các công việc còn lại.
Tuyệt đối loại bỏ những suy nghĩ như thoái thác như “Từ từ rồi làm”, “Để đó chút làm”, “Để mai rồi làm”… màn đấu tranh tâm lý này khiến bạn nhanh chóng rơi vào trạng thái trì hoãn, tự dung túng cho thói lười biếng của bản thân.
5. Tự tin vào bản thân
Thỉnh thoảng, trong đầu bạn sẽ xuất hiện những dòng suy nghĩ như “Tôi lười biếng”, “Tôi vô dụng”. Lúc bấy giờ, hãy nghĩ đến các phẩm chất tốt đẹp, giá trị của chính mình để có thể sự tự tin, động lực phấn đấu. Bên cạnh đó, việc nhớ lại những đánh giá tích cực, lời khen từ cấp trên cũng là một trong những cách tuyệt vời giúp bạn vực dậy tinh thần.
Tự nói với bản thân mình là người có năng lực, từng chinh phục nhiều thử thách khó nhằn. Nếu vẫn chưa cảm thấy thoải mái, bạn nên trò chuyện với đồng nghiệp hoặc bạn bè. Chắc chắn, họ sẽ cho bạn được lời khuyên bổ ích và động viên bạn vượt qua.
Vy Trần (Theo Huffpost)