Bí ẩn ngọn hải đăng trên đảo Eileen More

Nhưng không một giả thiết nào được đưa ra trong các cuộc điều tra có thể làm sáng tỏ những gì đã xảy ra. Câu chuyện này được coi là một trong những điều bí ẩn lớn nhất đầu thế kỷ 20.
Ngọn hải đăng đơn độc
Ngọn hải đăng trên đảo đá Eileen More gần điểm cao nhất của quần đảo Flann, còn được gọi là “Bảy thợ săn”, được xây dựng vào năm 1899, chỉ một năm trước khi xảy ra thảm kịch bí hiểm của nơi này. Từ nửa thế kỷ qua, kể từ đầu năm 1970 trở về trước, đảo này được coi là không có người ở. Ngoài ngọn hải đăng và những tảng đá sắc nhọn, hòn đảo chỉ có một nhà nguyện cổ kính, được cho là đã được dựng lên vào thế kỷ 7 bởi giám mục người Ireland Flannan -người sau này được phong Thánh. Theo truyền thuyết, quần đảo được mang tên Flannan, một ẩn sĩ đã thuyết giảng ở vùng này trong một thời gian.
Bí ẩn ma quái chưa được giải thích của ngọn hải đăng Flannan
Không có gì lạ khi từ thời xa xưa, Eileen More đã khiến những người hành hương và du khách đến đảo phải kinh ngạc. Những điều mê tín kỳ quái và những nghi lễ kỳ lạ đã trở thành truyền thống ở nơi đây. Các thế hệ những người chăn cừu địa phương đã mang cừu đến đây để chăn thả trong nhiều thế kỷ, nhưng không bao giờ dám ở lại qua đêm. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19, lưu lượng giao thông xuyên Đại Tây Dương tăng lên, và tàu bè thường lạc hướng trong khu vực các đảo đá ở Flannan. Đó là lý do tại sao vào năm 1899, một ngọn hải đăng lớn với 140 nghìn ngọn nến đã được xây dựng trên đảo Eileen More. Ánh sáng của ngọn hải đăng, theo các chuyên gia, là có thể nhìn thấy ít nhất từ 30 dặm.
Sau khi ngọn hải đăng được xây dựng, những người canh giữ đầu tiên đã đến Eileen More. Họ có bốn người: Thomas Marshall, James Ducat, Joseph Moore và Donald MacArthur. Họ luân phiên thay thế nhau để lúc nào cũng có ba người canh giữ ngọn hải đăng. Một tuần hai lần một con tàu tiếp tế đến Eileen More và là mối liên kết duy nhất của họ với thế giới bên ngoài. Vào đầu tháng 12-1900, Joseph Moore về nghỉ phép hai tuần. Trong thời gian xảy ra sự cố bí ẩn anh đã ở trên đất liền nên may mắn sống sót.
Ngọn hải đăng trên đảo Eileen More.
Biến mất không dấu vết
Những điều kỳ lạ đầu tiên tại Eileen More được báo cáo bởi thủy thủ đoàn của con tàu “Arhtor” cập cảng thành phố Lit. Ngày 15-12-1900 khi tàu đi qua đảo, ngọn hải đăng đã không còn sáng nữa. Điều này đã được ghi lại trong nhật ký tàu. Vài ngày sau, một con tàu với Joseph Moore sẽ phải lên đường đến Eileen More, nhưng do thời tiết xấu nên chuyến đi phải hoãn lại một tuần. Cuối cùng, khi Moore bước xuống bờ đá của hòn đảo, không ai trong số những người canh giữ đảo ra đón anh. Tại bến tàu, các công việc chuẩn bị cần thiết trước khi tàu cập cảng đã không được thực hiện, không có lá cờ nào được kéo lên trên cột cờ.
Nghi ngờ có điều gì đó không ổn, Moore là người đầu tiên trong nhóm leo lên dốc đá dựng đứng trên ngọn hải đăng. Sau này, Moore thừa nhận rằng ngay lúc đó anh trải qua nỗi sợ hãi khó tả và đã linh cảm về tai họa. Hai ngày sau, Moore kể lại ấn tượng của mình: “Khi tôi đến gần cổng, tôi nhận thấy nó đã bị khóa. Tôi đi đến cửa trước dẫn đến nhà bếp và nhà kho nhưng nó cũng bị khóa giống như cửa trước. Nhưng cửa bếp thì đã được mở. Khi bước vào, tôi chú ý đến lò sưởi đã bị tắt vài ngày trước. Tôi vào được phòng ở thì thấy những chiếc giường trống như thể những chủ nhân đã rời đi từ sáng sớm. Tôi không lãng phí thời gian nữa. Rõ ràng là đã có điều gì đó nghiêm trọng xảy ra”.
Có vẻ như việc xảy ra đã khiến ba người đàn ông trên đảo bất ngờ. Trên bàn trong bếp đặt những đĩa thịt, khoai tây và dưa chuột. Bữa ăn chưa xong, và một chiếc ghế bị lật úp như thể một người đã lật nó một cách vội vàng. Mặc dù bị cấm bỏ việc quan sát ở ngọn hải đăng, nhưng có điều gì đó buộc họ phải rời vị trí của mình. Phỏng đoán này được xác nhận bởi một trong ba chiếc áo choàng vẫn được treo ở lối vào. Phải có điều gì đó bất thường đã xảy ra ở đó khiến một lính canh có kinh nghiệm bỏ quên áo choàng vào giữa tháng 12. Nhưng trong lúc đó, không hiểu sao đã vội vàng như vậy mà họ vẫn có thời gian đóng chặt cửa trước và cổng.
Bí ẩn ngọn hải đăng trên đảo Eileen More - 2
Thomas Marshall, Donald MacArthur và James Ducat bên ngọn hải đăng trên đảo Eileen More.
Sau khi Moore quay về chỗ những người khác cùng bản báo cáo, thuyền trưởng James Harvey và thủy thủ đoàn của ông đã tìm kiếm trên bờ biển nhưng vô ích. Đúng là Marshall, Ducat và MacArthur đã thực sự bốc hơi, không để lại dấu vết. Cũng chiều hôm đó, thuyền trưởng đã rời đảo và từ một trạm điện thoại gần nhất đã gửi một bức điện tới Trung tâm điều khiển các ngọn hải đăng của Scotland:
“Một tai họa khủng kiếp đã xảy ra ở Flannan. Ba người canh giữ, Ducat, Marshall và MacAthur đã biến mất khỏi đảo. Chúng tôi đã đến đó và chiều nay không tìm thấy dấu hiệu nào của sự sống trên đảo. Sau khi phóng một quả pháo sáng tín hiệu mà không có hồi âm nên Moore đã lên bờ. Anh ấy đi lên ngọn hải đăng nhưng không tìm thấy các lính canh ở đó. Quan sát đồng hồ đã chạy và các dấu hiệu khác thì đã có điều gì đó xảy ra cách đây khoảng một tuần. Những lính canh tội nghiệp chắc đã bị cuốn trôi khỏi vách đá, hoặc họ đã bị chết đuối khi đang sửa van nước, hoặc điều gì đó tương tự. Đêm sắp đến, chúng tôi không thể ở lại để tiếp tục điều tra, nhưng sẽ trở lại vào sáng mai và cố gắng tìm kiếm họ. Tôi đã để lại Moore, McDonald, người giữ phao và hai thủy thủ trên đảo để duy trì ngọn hải đăng cho đến khi các anh đưa ra các chỉ thị tiếp theo”.
Một trong những giả thiết đầu tiên về chuyện xảy ra là thuyền trưởng Harvey cho rằng những người lính canh có thể đã bị trôi xuống biển từ bến tàu hoặc từ một vách đá cao. Mặc dù không có thi thể nào dạt vào bờ biển, nhưng cho đến nay nó vẫn được coi là đáng tin nhất. Tuy nhiên, điều này không trả lời được câu hỏi chính: vì sao cả ba người đàn ông phải rời ngọn hải đăng cùng một thời điểm, và một người vội đến mức không kịp mặc áo khoác?
Một trong những người canh giữ ngọn hải đăng xuống thuyền.
Những ghi chép kỳ lạ trong nhật ký
Vài ngày sau, Robert Moorehead từ Cục Hải đăng đến Eileen More để điều tra chi tiết. Ông quen biết những người mất tích và từng đích thân xác nhận nhiệm vụ của Marshall, Ducat và MacArthur. Sau khi kiểm tra lời trình của Joseph Moree và thuyền trưởng James Harvey, Moorehead đã chú ý đến những ghi chép trong sổ nhật ký của những người lính canh. Trong đó, họ báo cáo việc thực hiện các công việc tại ngọn hải đăng và mô tả những thay đổi về trạng thái thể chất và tinh thần của mình. Moorehead ngay lập tức chú ý đến những ghi chép mới nhất trong sổ nhật ký rất khác biệt với những điều trước đó. Vì vậy, theo ghi chép có phần kỳ lạ của trợ lý Marshall từ ngày 12-12 thì người lính canh chính James Dukar rất trầm lặng, còn thủy thủ dày dạn MacArthur thực sự đã khóc.
Marshall cũng nhắc đến “những cơn gió mạnh như vậy đã không có kể từ 20 năm qua”, mặc dù vào các ngày 12, 13 và 14 tháng 12 không có cơn bão nào được ghi nhận trong khu vực. Theo dữ liệu, chỉ có một cơn bão mạnh gần Eileen More xảy ra vào ngày 17-12, tức là vài ngày sau thảm kịch. Nếu như có một thảm họa tự nhiên đã xảy ra trên ngọn hải đăng thì hẳn nó phải được nhận biết từ hòn đảo lân cận nằm gần đó.
Tuy vậy, ghi chép từ ngày 13 tháng 12 khẳng định rằng, những cơn gió chưa từng có đã không giảm trong hai ngày liên tiếp. Cả ba người đàn ông đều cầu nguyện cho cơn bão chấm dứt, mặc dù không có ai trong số họ theo đạo. Họ có thể chờ đón thời tiết xấu trên một ngọn hải đăng vững chãi nằm ở điểm cao nhất của quần đảo, nhưng không hiểu sao họ đã sợ hãi như những đứa trẻ nhỏ. Những ghi chép ngắn gọn cuối cùng vào ngày 15 tháng 12: Bão yên, biển lặng. Chúa ngự trị trên mọi thứ.
Sau khi xem lại nhật ký của lính canh thì càng thêm nghi vấn. Moorehead lúc này nghi ngờ tính xác thực của thông tin ông đã đọc và về lý trí của Marshall, Ducat và MacArthur. Phải chăng sự điên khùng của những người lính canh đã gây ra thảm kịch? Có thể một trong số họ đã giết các đồng đội của mình và ném xác họ xuống nước, sau đó anh ta tự sát.
Trong báo cáo chính thức, Moorehead vẫn đưa vào giả thiết do thuyền trưởng Harvey đưa ra trước đó, rằng ba người bất hạnh đã bị trôi xuống biển. Một trong các chứng cứ là những vật chứng mới được tìm thấy tại bến tàu: những mẩu dây thừng đáng lẽ được cất trong hòm cần cẩu tiếp tế thì lại nằm ở vách đá cao hơn bến tàu 30m. Mặc dù giải thích này không hoàn toàn thuyết phục Ban lãnh đạo Cục Hải đăng Scooland, nó vẫn là giả thiết thực tế duy nhất về sự cố xảy ra.
Một đoạn bài báo về sự biến mất của những người canh giữ ngọn hải đăng.
Các hiệu ứng
Nhờ sự quan tâm của báo chí, câu chuyện bi thảm về sự biến mất của những người canh giữ ngọn hải đăng nhanh chóng nhận được sự cộng hưởng của công chúng và cũng nhanh chóng phát triển quá mức với đủ loại đồn đoán. Các thuyết âm mưu về sự can thiệp của ngoại bang, sự tiếp xúc với trí tuệ ngoài trái đất, hoặc vụ bắt cóc của chủng tộc người lùn dường như đã sinh sống trên các vách đá địa phương từ thời cổ đại. Có lẽ chính vì những tin đồn này mà những người canh giữ ngọn hải đăng sau này trên đảo Eileen More đã liên tục thông báo về những giọng nói lạ trong tiếng gió hú gọi tên những người mất tích.
Cho đến ngày nay sự quan tâm đến câu câu chuyện bí ẩn này vẫn chưa giảm đi. Năm 2019, các cảnh quay của bộ phim “Mất tích” đã được thực hiện ngay trên đảo Eileen More. Mới đây nữa là bộ phim kinh dị “Ngọn hải đăng” của đạo diễn Robert Eggers. Hiện thời vẫn không thể biết chính xác điều gì đã thực sự xảy ra vào tháng 12-1900 tại Eileen More. Điều chắc chắn duy nhất là ký ức về thảm kịch này sẽ tiếp tục kích thích tâm trí của những người ưa thích sự bí ẩn và huyền bí.
Bạn cũng có thể thích