Bất động sản xanh, hiểu sao cho đúng
Nhìn lại diễn biến thị trường trong thời gian gần đây, mô hình bất động sản xanh đang tồn tại một số quan niệm chưa đúng. Trong khi đó, nhu cầu liên quan đến hai mô hình bất động sản xanh và thông minh ở người mua ngày càng lớn, các chủ đầu tư đang tích cực đưa yếu tố đặc thù này vào phát triển dự án nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Các tòa nhà có thể được phát triển xanh, không nhất thiết phải là những sản phẩm xa xỉ.
Xanh không nhất thiết phải xa xỉ
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho biết yếu tố xanh trong bất động sản còn là một khái niệm chưa rõ ràng hiện nay. Các tòa nhà có thể được phát triển xanh, không nhất thiết phải là những sản phẩm xa xỉ. Xanh cũng không cần thiết phải là vật liệu đắt tiền.
Các yếu tố xanh trong một công trình bất động sản nằm nhiều ở lối sống mà dự án hướng đến, kiến trúc dự án, cách thức vận hành, quản lý dự án. Mỗi chi tiết trong thiết kế cảnh quan, hệ thống thông gió tự nhiên, sưởi ấm tự nhiên, vật liệu xây dựng, chất lượng không khí… đóng vai trò lớn trong việc phát triển các công trình xanh.
Theo ông Powell, có sự khác biệt lớn giữa một công trình được quảng cáo là “xanh” và một công trình được chứng nhận là “xanh”. Các chứng nhận thường không liên quan nhiều đến số lượng cây xanh hay khuôn viên, mà phần lớn tập trung đến phát triển bền vững, môi trường, bất kể đó là dự án văn phòng hay nhà ở.
Hiện đang có nhiều loại chứng nhận xanh từ Việt Nam cũng như quốc tế. Để đạt được chứng nhận nhất định, các nhà phát triển và chủ đầu tư cần có một danh sách kiểm tra và đánh giá các yếu tố xanh xác định.
Do đó, trong các giao dịch mua bất động sản xanh, người mua cần đánh giá được các thông số xanh và cần kiểm tra nguồn chứng nhận của các dự án. Ví dụ, chứng nhận cần theo tiêu chuẩn của các Hội đồng Công trình Xanh, tiêu chuẩn LEED của Mỹ hay BREEAM của Anh Quốc. Hiện nay, việc chứng nhận công trình xanh chưa quá phổ biến tại Việt Nam. Đây là yếu tố người mua cần cân nhắc khi mua bất kể loại hình bất động sản nào.
Cùng với xu thế bất động sản xanh, việc áp dụng công nghệ trong bất động sản – hay còn được gọi với cái tên Proptech cũng đang dần phổ biến trên thị trường.
“Bất động sản từ trước tới nay vẫn luôn ít có sự thay đổi, từ quá trình xây dựng, kinh doanh đến quản lý tài sản. Việc áp dụng công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả về mặt thời gian, tài chính và các mức độ tiện lợi. Đối với kinh doanh bất động sản nhà ở, việc số hóa các hoạt động kinh doanh giúp giảm thời gian nhân công, đặc biệt trong khâu liên quan đến giấy tờ, xử lý giao dịch và nghiên cứu”, ông Powell cho hay.
Hiện nay, nhiều công ty tại Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong việc áp dụng chuyển đổi số, trong đó Savills đã áp dụng nhiều loại hình công nghệ trong quá trình kinh doanh, nghiên cứu, định giá và quản lý bất động sản. Có một số công ty Proptech đã đi vào hoạt động và dòng vốn đầu tư dần đổ về lĩnh vực này.
Có thể nói, Proptech tại Việt Nam được áp dụng rộng rãi hơn so với các thị trường nước khác, kể cả các thị trường phát triển trên thế giới. Đáng chú ý, Chính phủ đang tạo rất nhiều cơ hội cho lĩnh vực này, trong đó đã có sự ủng hộ dành cho các dự án thành phố thông minh, kế hoạch số hóa các loại hồ sơ chính phủ và các quy trình đăng ký đất đai.
Triển vọng 2021
Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, hiện nay chất lượng cơ sở vật chất và trang thiết bị được cung cấp tại nhiều dự án bất động sản nhà ở đang được cải thiện liên tục, đặc biệt là những dự án ở khu vực ngoại ô – khu vực thu hút chủ đầu tư phát triển các dự án khá lớn có không gian mở, đi kèm các đầu tư về lối sống và cơ sở vật chất tốt hơn.
Theo chuyên gia này, sức hút của các mô hình bất động sản xanh, thông minh vẫn là liên kết mật thiết giữa cung-cầu và quan điểm lấy khách hàng làm trọng tâm. Khi cơ hội tiếp cận với mô hình bất động sản xanh và thông minh của người mua ngày càng lớn, các chủ đầu tư cần chủ động cải thiện chất lượng dịch vụ, thiết kế dự án, bổ sung nhiều yếu tố công nghệ hơn vào bất động sản.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng trong thời gian tới, bất động sản đô thị gồm cả bất động sản thông minh có nhiều dư địa phát triển vì ba lý do chính.
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi và tăng trưởng ở mức khá cao (6,5 – 7%) đến năm 2025 và thu nhập của người dân cũng sẽ tăng lên khoảng 6%/năm. Thứ hai, tiến trình đô thị hóa sẽ diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam đạt khoảng 39,5% và Chính phủ định hướng tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 48-50% đến năm 2030.
Thứ ba, đô thị thông minh cũng là xu thế phù hợp phát triển kinh tế – xã hội, chính quyền số và xã hội số theo Quyết định 749 của Thủ tướng về Chương trình chuyển đổi số quốc gia ban hành tháng 6/2020.
Tuy nhiên, ông Lực cho rằng cần chú ý đến khâu quy hoạch, làm rõ nội hàm đô thị thông minh. Đô thị nào thì cũng phải chú ý đến những vấn đề nhỏ nhất như: môi trường, hệ sinh thái và tiện ích, tiện lợi, an toàn cho người dân và doanh nghiệp, tránh theo phong trào, dẫn đến bỏ hoang, dở dang như đã xảy ra tại Trung Quốc.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhận định xu thế phát triển đô thị thông minh, xanh, phục vụ tiện ích của người dân là yêu cầu tất yếu. Giá của bất động sản tại các khu đô thị thông minh đương nhiên sẽ phải cao hơn. Chất lượng dịch vụ quản lý toà nhà sẽ quyết định đến giá cả, chất lượng đô thị sau này.
“Cam kết vận hành của chủ đầu tư sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của dự án trong tương lai”, ông Hà nhấn mạnh.