Ai đang “đứng sau” Bamboo Airways?

Sau khi FLC công bố việc giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Bamboo Airways xuống còn 39,4% hồi đầu tháng 2 vừa qua, hãng bay này đã không còn là công ty con của FLC. Vậy Bamboo Airway thuộc sở hữu của bên nào?

Ai đang đứng sau Bamboo Airways? - 1

Như tin đã đưa, theo thông tin tại báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, hiện tại, tập đoàn này đã giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) xuống còn 39,4%.

Theo đó, Bamboo Airways không còn là công ty của Tập đoàn FLC kể từ ngày 5/2. Sau đó, FLC cũng đã có thông tin chính thức về vấn đề này cho cổ đông, nhà đầu tư vào ngày 10/3 vừa qua.

Nguyên nhân của việc giảm tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo Airways đến từ việc ngày 5/2, hãng bay này tăng vốn điều lệ từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng.

Điều nhà đầu tư băn khoăn là vậy sau khi tăng vốn, ai đang ảnh hưởng lớn nhất đến Bamboo Airways?

Thực tế, tại ngày chốt danh sách sở hữu của Bamboo Airwasy, FLC tuy không còn đóng vai trò công ty mẹ nhưng vẫn là cổ đông lớn nhất của hãng bay này. Cổ đông lớn thứ hai là ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC – đồng thời cũng là Chủ tịch Bamboo Airways và kế đến là Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros.

Trong đó, FLC nắm 413,7 triệu cổ phần tương ứng chiếm tỷ lệ 39,4%. Ông Trịnh Văn Quyết nắm trên 372 triệu cổ phần tương ứng tỷ lệ 35,43% và FLC Faros nắm 8,57%.

Tại Nghị quyết số 06B ngày 19/1 của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC về việc góp vốn và thay đổi tỷ lệ sở hữu vốn tại Bamboo Airways cũng đã thông qua việc đăng ký mua cổ phần Bamboo Airways trong đợt hãng bay này chào bán cổ phần riêng lẻ.

Cụ thể, FLC đăng ký mua thêm 55 triệu cổ phần BAV (Bamboo Airways) với giá trị đăng ký mua theo mệnh giá là 550 tỷ đồng.

Như vậy, Bamboo Airways sau khi tăng vốn vẫn chịu sự chi phối của nhóm cổ đông liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC (sở hữu tới 83,4% vốn Bamboo Airways).

Chưa rõ sẽ có những thay đổi tiếp theo gì sau khi Bamboo Airways tăng vốn gấp rưỡi. Song nguồn lực tài chính bổ sung này được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng đối với kế hoạch mở rộng hoạt động mà hãng bay này đặt ra trong năm 2021.

Theo đó, hãng dự kiến nâng số lượng máy bay trong đội bay lên ít nhất 50 chiếc; triển khai chiến dịch chuẩn hóa dịch vụ theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế; số hóa toàn diện hãng hàng không; mở rộng mạng lưới đường bay nội địa kết nối toàn bộ các tỉnh thành trên cả nước; khởi động lại mạng bay quốc tế ngay khi Chính phủ cho phép.

Trong năm 2020, hãng ước lợi nhuận trước thuế đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước và là một trong những hãng bay hiếm hoi trên thế giới có lãi bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Với việc không còn là công ty con của FLC, tại kỳ báo cáo tài chính quý 1 năm nay, kết quả kinh doanh của Bamboo Airways sẽ không hợp nhất vào báo cáo tài chính của FLC.

Ông Trịnh Văn Quyết từng cho biết sẽ đưa Bamboo Airways niêm yết trên thị trường chứng khoán vào quý 4/2020. Hãng này đặt ra kỳ vọng 1 tỷ USD vốn hóa sau niêm yết và chiếm lĩnh 30% thị phần hàng không nội địa vào năm 2021.

Về sở hữu tại Bamboo Airways, trên mạng xã hội hồi đầu năm ngoái từng rộ tin đồn hãng bay này đã bán 49% cổ phần cho Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin này lập tức bị bác bỏ và phía Bamboo Airways lúc đó đã khẳng định, trong danh sách cổ đông của hãng không có bất cứ nhà đầu tư nào có quốc tịch Trung Quốc hay bất cứ cổ đông nào là tổ chức có vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Trung Quốc.

Bạn cũng có thể thích