5 tính cách phổ biến về tiền bạc

Tiết kiệm thái quá, nô lệ cho tiền bạc hoặc nghiện chi tiêu… là những quan niệm mà chuyên gia Nhật cho rằng không nên theo đuổi bất cứ thái cực nào.

Ken Honda là một chuyên gia về tâm lý tiền bạc và hạnh phúc người Nhật. Ông cũng là tác giả của cuốn sách bán chạy “Happy Money: Nghệ thuật của người Nhật để hạnh phúc về tiền bạc”. Ông từng sở hữu và quản lý các doanh nghiệp về kế toán, công ty tư vấn.

Ken nói rằng, chúng ta thường nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hiểu biết tài chính. Tuy nhiên, mỗi người lại có các niềm tin và quan điểm khác nhau về kiếm tiền, chi tiêu, tiết kiệm hay đầu tư.

Với kinh nghiệm 10 năm nghiên cứu tâm lý tiền bạc và hạnh phúc, Ken chỉ ra một số kiểu tính cách về tiền bạc khác nhau. Việc xác định thuộc tính cách nào để nhận diện điểm mạnh, điểm yếu có thể giúp bạn có lối sống tài chính lành mạnh hơn. Bạn có thể nhận thấy mình có sự kết hợp giữa các kiểu tính cách này.

Tiết kiệm thái quá

Bạn dè xẻn tiền một cách khắt khe nhưng không có mục tiêu cụ thể. Tiết kiệm là cách duy nhất bạn cảm thấy an tâm hơn trong cuộc sống. Bạn chọn ăn uống kham khổ, chọn tự làm mọi việc thay vì thuê người, tiếc tiền cho các hoạt động giải trí. Bạn cũng lựa chọn hãng điện thoại nào rẻ nhất, thẻ tích điểm nào có giá trị hoặc lựa chọn những chuyến bay giá rẻ nhất…

Tích cách này khiến nhiều người cả đời sống trong tằn tiện, chọn cách bỏ qua những sở thích hoặc hoạt động có thể mang lại hạnh phúc và trải nghiệm. Tính cách này phổ biến với nhiều người thế hệ trước khi họ luôn nghĩ đến chuyện cất tiền để dành cho đời con cái. Lời khuyên của chuyên gia ở đây, là thay đổi tư duy để học cách cân bằng giữa tiết kiệm và hưởng thụ cuộc sống.

Chi tiêu thả ga

Bạn có xu hướng chi tiền cho những thứ không cần thiết. Với nữ giới có thể là nghiện mua sắm quần áo, mỹ phẩm hoặc với nam giới là đồ công nghệ…

Khi bạn đang gặp khó khăn về tình cảm, giải pháp của bạn là chi tiêu, đặc biệt là để thỏa mãn ngay lập tức.

Trái ngược lại với kiểu người tằn tiện, những người nghiện chi tiêu ngay cả khi đang mắc nợ hay phải trả góp, vẫn tiếp tục mua sắm theo ý thích, thậm chí giấu những khoản chi tiêu lớn với bạn bè và gia đình.

Lời khuyên dành cho bạn là lên kế hoạch ngân sách để nhìn mọi thứ từ một góc độ khác. Hãy nhắc nhở bản thân rằng mua một chiếc điện thoại đời mới nhất trong khi phải dè xẻn nhiều tháng để trả góp, đồng nghĩa với việc hy sinh tiền bạc cho những thứ thiết yếu như tiết kiệm hoặc đầu tư sau này.

Cật lực kiếm tiền

Bạn tin rằng kiếm được nhiều tiền hơn là bí quyết của hạnh phúc. Bạn dành phần lớn năng lượng của mình để cố gắng kiếm nhiều tiền nhất có thể. Bạn nhận được niềm vui từ sự công nhận của những người khác cho thành công về mặt tài chính.

Dù việc kiếm ra tiền là con đường bền vững để đạt tự do tài chính, nhưng không nên đi quá giới hạn để bỏ bê những mối quan hệ đời sống, như chọn làm việc cật lực cả cuối tuần và cả ngày lễ thay vì dành thời gian cho những người thân yêu. Cuộc sống còn nhiều điều hơn cả tiền bạc.

Không quan tâm tới tiền bạc

Bạn hiếm khi nghĩ về tiền bạc. Trong những trường hợp cực đoan, bạn ghét việc lao đầu vào kiếm tiền. Bạn tin rằng không nên để tiền ảnh hưởng đến các quyết định quan trọng trong cuộc sống

Nhiều người thờ ơ với tiền bạ, cảm thấy họ chỉ cần một số tiền khiêm tốn là có thể hạnh phúc, đó là một suy nghĩ lành mạnh. Nhưng mọi thứ có thể trở nên tồi tệ nếu họ không có trách nhiệm về tài chính.

Theo Ken, ngay cả khi bạn đang thoải mái về tài chính, hãy chú ý đến những điều như tiền của bạn đang đi đâu, chi phí hàng tháng của bạn là bao nhiêu. Không có kế hoạch tài chính vững chắc cho tương lai có thể khiến bạn gặp phải những rắc rối khi đứng trước sự cố bất ngờ, gây nên căng thẳng tài chính và tâm lý.

‘Con bạc’

Bạn ưa thích rủi ro bởi hứa hẹn phần thưởng lớn là một niềm vui. Bạn đặt cược tiền vào một lĩnh vực không am hiểu hoặc muốn kiếm tiền nhanh chóng mà không tốn nhiều sức lực.

Ken nói rằng, không có gì khi người “mê cờ bạc” gặp phải những biến cố bất ngờ hoặc thua lỗ nặng nề. Khi bạn “nướng” toàn bộ tiết kiệm hay vay mượn vào cờ bạc hoặc các kênh rủi ro lớn, xác suất đổ bể tài chính cực cao. Lời khuyên của Ken là luôn nhớ không được đụng đến một khoản dự phòng đảm bảo an toàn cho cuộc sống, khi đưa ra quyết định tài chính có yếu tố may rủi.

Tường An (tham khảo CNBC Make It)

 

 

 

 

 

Bạn cũng có thể thích