5 diễn giả bàn về 100 năm phong trào phụ nữ Việt Nam

Buổi tọa đàm Một thế kỷ phong trào phụ nữ Việt Nam: Từ kinh nghiệm hiện đại hóa đối diện các thách thức và cơ hội trong thời đại 4.0 diễn ra tại L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) lúc 18h ngày 24/3.

Sự kiện do Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp thực hiện nhân dịp ra mắt sách Tự Lực văn đoàn với Vấn đề phụ nữ ở nước ta (Tủ sách Phụ nữ tùng thư – Giới và Phát triển).

Tọa đàm mong muốn trở thành một diễn đàn cho các diễn giả và cử tọa thảo luận về các bài học kinh nghiệm đấu tranh cho quyền phụ nữ, nữ quyền, đòi hỏi nam nữ bình quyền trong quá khứ và kết nối di sản tranh đấu ấy vào quá trình khẳng định vị thế, vai trò, ý thức tự vận động và vươn lên của phụ nữ Việt Nam trong thời đại cách mạng xã hội 4.0 hôm nay.

 

Bộ sách Tự Lực văn đoàn với Vấn đề phụ nữ ở nước ta 

Vấn đề phụ nữ nổi lên như một chủ điểm quan trọng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam giao lưu tiếp xúc với thế giới phương Tây. Ảnh hưởng các phong trào đấu tranh đòi quyền phụ nữ và nữ quyền trên thế giới, phong trào phụ nữ Việt Nam cũng hình thành, phát triển và tạo được ảnh hưởng xã hội rộng lớn. Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Giới và Phát triển) do nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xuất bản trong những năm gần đây đã góp phần tích cực vào việc sưu tầm và tái công bố các dữ liệu liên quan đến phong trào phụ nữ Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX; đồng thời giới thiệu những ảnh hưởng đến phụ nữ và xã hội Việt Nam đương đại. Chương trình có sự tham gia của những diễn giả là các văn nghệ sĩ, nhà quản lý giáo dục hàng đầu nước ta.

 

TS. Bùi Trân Phượng

TS. Bùi Trân Phượng, nhà quản lý giáo dục, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen. Ngoài việc là nhà quản lý giáo dục, TS. Bùi Trân Phượng còn là nhà nghiên cứu khoa học say mê. Những công trình nghiên cứu của bà luôn được các nhà khoa học quốc tế đánh giá là có cái mới về tri thức cũng như phương pháp. Vào năm 2017, TS. Bùi Trân Phượng cũng được ghi danh vào danh sách 20 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn.

TS. Đoàn Ánh Dương hiện làm việc tại Viện Văn học. Anh từng xuất bản nhiều cuốn sách về lý thuyết văn học như: Không gian văn học đương đại: phê bình vấn đề và hiện tượng văn học – Giải thưởng dành cho Tác giả trẻ, hạng mục Lý luận phê bình, do Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng. Đoàn Ánh Dương cũng chính là người biên soạn, giới thiệu và tổ chức bản thảo một số đầu sách trong Tủ sách Phụ nữ tùng thư như: Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta; Phan Bội Châu: Vấn đề phụ nữ ở nước ta; Tự Lực văn đoàn: Vấn đề phụ nữ ở nước;…

 

TS. Khuất Thu Hồng 

TS. Khuất Thu Hồng từng làm việc tại Viện Xã hội học và UNDP Việt Nam (chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc), bà đã lựa chọn vấn đề giới tính và sức khỏe sinh sản để tập trung nghiên cứu. Năm 2002, Khuất Thu Hồng cùng một số nhà khoa học thành lập Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS). Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu, những vấn đề được Khuất Thu Hồng và ISDS đề cập đều hướng tới việc vận động điều chỉnh chính sách, mang lại những thay đổi tích cực trong xã hội.

NSƯT Trần Ly Ly nổi tiếng trong lĩnh vực chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn, biên đạo múa kiêm nghệ sĩ múa. Bà là nhân vật chủ chốt và nổi tiếng trong làng Ballet và múa đương đại Việt Nam.

MC chương trình là Trang Hạ – một cây bút nữ viết truyện ngắn và dịch giả tiếng Trung tiêu biểu của thế hệ 7x. Các tác phẩm của Trang Hạ luôn đề cao giá trị nhân cách của phụ nữ và đề cập những số phận phụ nữ bất hạnh nên luôn được độc giả hết sức đón nhận

Bạn cũng có thể thích